Dưa hấu được mùa được giá

Nông dân xã An Lĩnh (huyện Tuy An) thu hoạch dưa hấu. Ảnh: LÊ TRÂM

Vì mưu sinh, nhiều nông dân lên tận các xã giáp ranh của 2 huyện Sơn Hòa (Phú Yên) và Krông Pa (Gia Lai) sống trong chòi tạm bợ, trồng dưa hấu.

Thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, nhiều mặt hàng nông sản được thông quan, dưa hấu đắt hàng, thương lái mua cả dưa non. Vụ dưa này, người trồng và người làm thuê đều vui mừng.

Trồng dưa xa xứ

Xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) giáp ranh với huyện Krông Pa (Gia Lai), ở vùng đất chạy dọc theo sông Ba này, cánh đồng dưa hấu mênh mông. Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ ruộng dưa hấu 2ha ở xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) cho hay: Hơn 10 năm đi thuê đất trồng dưa hấu, tôi chưa bao giờ thấy dưa hấu đắt hàng, thương lái mua xa cạ như năm nay. Trái mới to bằng lon sữa bò, là dưa non, thương lái cũng mua, còn trước đây trái dưa nặng cỡ 3kg trở lên họ mới chọn.

Anh Thanh quê ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), vượt hơn trăm cây số lên huyện Krông Pa thuê đất trồng dưa. Trung bình mỗi năm anh thuê đất làm 2 vụ dưa hấu ở các nơi khác nhau. Dưa hấu kén đất, nếu trồng trên mảnh đất quen thì trái không lớn và chất lượng cũng kém ngon. Do vậy, nhiều nông dân phải đi nhiều nơi thuê đất trồng dưa. Ban đầu ở trong tỉnh rồi qua những người quen, họ bắt mối sang các tỉnh Tây Nguyên và mưu sinh trên đất lạ quê người.

Người trồng dưa sống và ăn ở tại ruộng dưa. Tất cả chòi dưa đều có chung một kiểu, khung bằng cây tre, mái vách đều che bạt tạm bợ. Vụ dưa ở đây bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, sau 3 tháng chăm bón là đến mùa thu hoạch. Tuy nhiên, có người trồng sớm canh bán tết nên vừa qua, họ ở lại ăn tết trên ruộng dưa. Chị Nguyễn Thị Hiền ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) kể, chị sắm cái tết cho chồng ở lại chăm ruộng dưa, gồm con gà kho sả ớt, hũ dưa món, đòn bánh tét… Ai đến chơi thì đem ra tiếp đón, hoặc rủ mấy người gần lán trại ăn tết qua lại cho vui. “Dịp tết sum họp, gia đình tôi chồng một nơi, vợ một ngả cũng buồn. Nhưng dưa đang thời kỳ bấm cành chọn trái, không thể bỏ về được. Những ngày cận tết kiếm không ra nhân công nên công nhà phải thay nhau làm. Nay dưa đã ra trái to. Vì mưu sinh, phải đi làm ăn xa nhưng dưa hấu bán chạy nên người trồng rất vui mừng”, chị Hiền nói.

Tranh thủ thu hoạch

Theo nhiều nông dân, trồng dưa hấu phần lớn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên giá cả thường không ổn định. Có năm vào thời điểm thu hoạch, giá dưa lên xuống theo từng ngày, từng giờ, người trồng dưa chỉ biết nín thở dõi theo. Năm ngoái, ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường Trung Quốc đóng cửa, giá dưa hấu rớt thê thảm xuống dưới 2.000 đồng/kg, thương lái cũng không đến thu mua, nhiều người trắng tay. Năm nay, Trung Quốc mở cửa trở lại, nhiều thương lái đã đến đặt cọc mua dưa hấu với giá 5.000-7.000 đồng/kg, nên các chủ dưa tranh thủ thu hoạch.

Dưa hấu được thương lái mua mạnh, không chỉ người trồng dưa mà người làm thuê cũng vui mừng. Anh Nguyễn Văn Sâm ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) đi gánh dưa thuê cho hay: Chủ dưa đặt hàng nên tôi lên đây gánh dưa từ tết đến giờ. Trưa mùng 1 tết, tôi lên huyện Krông Pa gánh dưa rồi sáng hôm sau về. Trước đó, có tốp đi chiều 30, sáng mùng 1 về. Cứ thế mọi người thay phiên nhau. Gánh dưa dịp tết, tiền công gấp đôi. Cứ gánh xong đợt dưa, tôi về nghỉ lấy sức rồi lên gánh tiếp.

Cũng theo anh Sâm, gánh dưa phải gánh ban đêm, bởi theo kinh nghiệm của nhiều người, thu hoạch vào ban đêm thì chất lượng dưa tốt hơn. Buổi chiều, người trồng bơm nước tưới, sau đó có tốp người dàn hàng ngang cắt dưa rồi thuê công gánh ra cạnh đường chất đống. Dưa no nước, thương lái đến chọn. Còn nếu hái ban ngày, trời nắng làm vỏ dưa mềm, xốp ruột, búng vào kêu bộp bộp, chở đi xa dễ bị chảy nước nên thương lái không mua. Nghề này không làm ăn riêng lẻ mà phải lập thành tốp 4-5 người, phụ sức vào mới đưa nổi hàng chục tấn dưa từ ruộng lên xe trong một đêm. “Công gánh ăn theo sào (500m2), từ 200.000-300.000 đồng/sào, tùy theo xa gần. Năng suất mỗi sào từ 2-2,5 tấn. Có đêm mỗi người gánh 3 sào dưa được gần 1 triệu đồng. Công bốc lên xe cũng ăn theo sào. Năm nay giá dưa hấu tăng, thương lái mua từ lớn đến nhỏ nên người gánh, bốc lên xe thu nhập tăng theo. Trước kia giá dưa hấu hạ, chủ dưa bớt công gánh, công bốc…”, anh Sâm chia sẻ.

Hiện thương lái mua cả dưa non, lại được giá nên người trồng dưa ở huyện Sông Hinh, Tuy An tranh thủ thu hoạch. Ông Võ Văn Lai ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) cho hay: Ở tỉnh mình trồng dưa muộn hơn các tỉnh Tây Nguyên nên hiện nay dưa mới ra trái non. Thế nhưng, do năm nay dưa non thương lái cũng mua nên nhiều người tranh thủ thu hoạch sớm. Mấy hôm rồi nhiều người thuê tôi qua các xã Ea Bia, Ea Trol (huyện Sông Hinh) gánh dưa. Hiện các vùng trồng dưa ở xã An Lĩnh cũng đang thu hoạch dưa sớm, chủ dưa gọi công gánh nên tôi chuyển qua gánh dưa gần nhà.

Theo nhiều người trồng dưa, trung bình đầu tư 1ha từ 100-120 triệu đồng (tùy theo nguồn nước tưới xa gần). Mỗi hecta cho năng suất từ 40-50 tấn. Nếu bán dưa với giá 4.000 đồng/kg thì huề vốn, còn bán với giá 7.000 đồng/kg như hiện nay thì lãi khoảng 100 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, giá dưa lên xuống thất thường, người trồng dưa cần tính toán kỹ khi gắn bó với công việc này. Riêng vụ dưa này, nhờ thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, nhiều mặt hàng nông sản được thông quan, trong đó có dưa hấu nên dưa đang được giá. Hy vọng thời gian đến, giá dưa sẽ còn tăng để người dân có lợi nhuận, bù lỗ cho vụ dưa năm trước.

Hơn 10 năm đi thuê đất trồng dưa hấu, tôi chưa bao giờ thấy dưa hấu đắt hàng, thương lái mua xa cạ như năm nay. Trái mới to bằng lon sữa bò, là dưa non, thương lái cũng mua, còn trước đây trái dưa nặng cỡ 3kg trở lên họ mới chọn.

Anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/294533/dua-hau-duoc-mua-duoc-gia.html