Đưa hoạt động tri ân người có công với cách mạng trở thành nét đẹp trong đời sống
Ngày 13/9, tại Hà Nội, Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh Hậu Giang đã đến chào thăm UBTƯ MTTQ Việt Nam. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thân mật tiếp đoàn.
Đến thăm UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 36.254 người có công với cách mạng, trong đó có 12.501 liệt sĩ, 5.740 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị tỉnh Hậu Giang luôn quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách trong công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Theo ông Võ Phú Cường, trong thời gian tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người có công, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, vươn lên thoát nghèo.
Bày tỏ vui mừng được đón Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh Hậu Giang, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho người có công và gia đình người có công. Các chủ trương, chính sách dần được hoàn thiện, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, người thụ hưởng chính sách được mở rộng, góp phần nâng cao mức sống cho người có công và thân nhân người có công trên địa bàn cả nước. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP. Theo đó, mức hỗ trợ phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng thêm 26,5%.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, trong nhiều năm qua MTTQ Việt Nam các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực huy động thêm nguồn lực, tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng.
“Những hoạt động tình nghĩa này đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của nhân dân, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, là nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần tô thắm truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Ghi nhận sự quan tâm, chăm lo người có công và thân nhân người có công của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan ban ngành tỉnh Hậu Giang, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao tỉnh Hậu Giang đã trích từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người có công thuộc diện còn khó khăn, thể hiện tính nhân văn, thiết thực, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, người có công với cách mạng tỉnh Hậu Giang là những anh hùng trong công cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, nay là tấm gương tiêu biểu trong tham gia phong trào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn, trong thời gian tới tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát huy truyền thống của địa phương, triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công, gia đình người có công, đặc biệt quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ về đời sống vật chất, tinh thần, việc làm, sức khỏe, nhà ở đối với người có công và thân nhân người có công trong diện còn khó khăn.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang tiếp tục huy động nguồn lực, phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị chính đáng của gia đình người có công để phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng, đảm bảo quyền và lợi ích cho người có công.
Đồng thời huy động nguồn lực tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đa dạng các hình thức tri ân, từng bước đưa hoạt động tri ân người có công với cách mạng trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự của mỗi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Tiếp tục phát huy vai trò của người có công trong tham gia xây dựng quê hương, nhất là công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng tỉnh Hậu Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.