Đưa hương vị quê nhà lên Amazon

Nhận thấy chỉ có công nghệ chế biến mới giúp đầu ra của nông sản được ổn định, Nguyễn Thị Huyền Trâm - cô gái đến từ vùng rau Lạc Lâm, huyện Đơn Dương đã xây dựng nên thương hiệu sản phẩm bột rau củ sấy lạnh nguyên chất mang tên Dalahouse. Tròn 4 năm gắn bó với nông nghiệp và tròn 2 năm thành lập Dalahouse, tháng 12 này của Huyền Trâm được đánh dấu bằng việc vượt qua vô vàn những yêu cầu khắt khe của Amazon để đưa thành công sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới này.

Nguyễn Thị Huyền Trâm luôn mong muốn theo đuổi nền nông nghiệp sạch. Ảnh: V.Quỳnh

Nguyễn Thị Huyền Trâm luôn mong muốn theo đuổi nền nông nghiệp sạch. Ảnh: V.Quỳnh

Trăn trở với nông sản địa phương

Sinh ra và lớn lên ở vùng rau lớn nhất cả nước, tuổi thơ của Huyền Trâm đã quen thuộc với những cánh đồng rau củ của gia đình hay họ hàng. Chứng kiến những vụ rau được mùa, mất giá, sự khó khăn trong đầu ra của sản phẩm cũng như tác hại của phương pháp trồng rau sử dụng phân hóa học đến sức khỏe của chính người nông dân khiến Trâm chưa bao giờ thôi trăn trở. Đó cũng chính là lý do mà sau những năm tháng học tập, sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh, Huyền Trâm quyết định quay trở lại với nông nghiệp ngay tại chính quê hương mình.

Ước mơ xây dựng vùng rau sạch của Trâm bắt đầu từ cách đây 5 năm. Nhưng chỉ sau 6 tháng theo đuổi, cô nhận thấy để tìm nguồn ra cho nông sản sạch rất khó khăn vì giá cao, mẫu mã không đẹp, sản lượng bấp bênh do phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Sau một thời gian, sản lượng rau dư rất nhiều và phải bán ra chợ truyền thống với giá không đủ bù đắp chi phí. Ý tưởng về bột rau củ quả sấy lạnh được Trâm nhen nhóm khi phương pháp này giữ được màu và chất dinh dưỡng của rau củ, giúp bảo quản lâu hơn, và có thể sử dụng được tất cả rau củ quả được trồng theo hướng hữu cơ với mẫu mã không đẹp.

Ý tưởng đã có, nhưng khó khăn thì vô cùng nhiều, bởi trước đó, công việc của Huyền Trâm là Maketing - cô hầu như không biết đến các kiến thức về thực phẩm. Để tìm hiểu quy trình sản xuất, ròng rã nhiều tháng trời, Huyền Trâm đã phải liên hệ tất cả những trường đại học có ngành công nghệ chế biến, ra tận Hà Nội, Thái Nguyên, đến các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam đang áp dụng công nghệ sấy lạnh để tham quan, học hỏi.

Sau 3 năm tìm hiểu, thử nghiệm và cả thất bại, tháng 12/2017, Dalahouse chính thức ra đời, với những sản phẩm không dùng các chất phụ gia và đi theo hướng thuận tự nhiên, phát triển bền vững. Sản phẩm đầu tiên Dalahouse phát triển là dòng bột rau củ quả. Từ 6 loại ban đầu, hiện Dalahouse đã có 16 loại bột từ rau củ được đưa ra thị trường như: bột cần tây, cải xoăn, bó xôi, cà rốt, diếp cá, rau má, củ dền, bí đỏ, khoai lang tím, lá dứa,... được đóng thành những túi nhỏ tiện dụng, giúp bổ sung rau củ quả cho các thành viên trong gia đình.

Hiện tại, Công ty TNHH Dala Group do Huyền Trâm làm Giám đốc được đặt trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên, xưởng sấy rau củ quả được đặt tại ngay chính vùng rau Lạc Lâm. Trung bình mỗi ngày, lò sấy tiêu thụ từ 300 - 400 kg rau củ tươi. Hiện, Trâm đang có 2 vùng nguyên liệu chính tại Ninh Hòa (Khánh Hòa) và xã Lạc Lâm với tổng diện tích khoảng 3 ha. Những ngày cuối năm này, cô đang bận rộn với đoàn khảo sát để mở rộng thêm 2 ha vùng nguyên liệu ở xã Pró. Ngay từ đầu, Trâm đã hướng đến thị trường xuất khẩu và định hướng đi theo hướng cao cấp để nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, từ khâu trồng trọt đến sản xuất Trâm đều cố gắng làm chuẩn và đạt được giấy chứng nhận ISO và FDA của Mỹ.

Đưa nông sản đi xa

Hiện tại, sản phẩm của Dalahouse đang được phân phối tại các cửa hàng thực phẩm sạch, trên tất cả các trang thương mại điện tử của Việt Nam và hệ thống gần 200 đại lý trên toàn quốc. Đầu tháng 12, sản phẩm chính thức được đưa lên Amazon. “Vào được Amazon vô cùng khó khăn, cần rất nhiều giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm do quốc tế cấp. Nhưng cuối cùng thì mình cũng làm được” - Huyền Trâm thở phào chia sẻ.

Tại Vòng chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, Dự án Giải pháp bổ sung rau củ cho cả gia đình của Dalahouse đã đoạt giải khuyến khích chung cuộc, cùng 2 giải phụ là: giải “Dự án thương mại tốt” do trang thương mại điện tử Tradingfoe trao tặng và là 1 trong 3 dự án đoạt giải “Dự án khởi nghiệp vì nền nông nghiệp xanh và sạch”.

Để có được ngày hôm nay, Dalahouse đã phải trải qua một chặng đường dài trong việc định vị thương hiệu và hình thành thói quen sử dụng đối với người tiêu dùng. Bởi đối với một nước nông nghiệp nhiệt đới, việc sử dụng bột rau củ quả sấy lạnh dường như còn xa lạ với nhiều người Việt Nam.

Chính vì vậy, Huyền Trâm chủ động nghiên cứu công thức pha chế đồ ăn, thức uống, đẩy mạnh truyền thông để khách hàng biết đến sản phẩm nhiều hơn. Quá trình đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm giúp cô nhận ra, chỉ khi xây dựng thương hiệu đảm bảo chất lượng thì khách hàng mới có thể tin tưởng vào sản phẩm Việt và lựa chọn thay cho các sản phẩm ngoại. Đó cũng là động lực khiến Huyền Trâm quyết tâm chế biến sản phẩm của mình đạt chuẩn chất lượng để đưa lên sàn thương mại điện tử khó tính Amazon.

Với mong muốn trở thành cầu nối giúp đưa các sản phẩm chế biến rau củ sạch từ người nông dân đến tay người tiêu dùng, Huyền Trâm cho biết, mục tiêu trong năm tới của Dalahouse là tăng số lượng nông dân hợp tác. Ngoài ra, nhằm giảm tác động đến môi trường, Dalahouse đang xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời để sử dụng trong toàn bộ nhà máy giúp giảm lượng điện tiêu thụ và tối ưu được chi phí sản xuất.

Sản phẩm đã dần ổn định, Huyền Trâm luôn hy vọng, trong thời gian tới sẽ phát triển được thêm nhiều sản phẩm, từ đó có thể hợp tác được với nhiều nông dân hơn. Cô gái sinh năm 1989 tâm niệm rằng: “Từ ngày xác định gắn bó với nông nghiệp, tôi chưa bao giờ hỏi rằng khi nào sẽ đến đích. Thay vào đó chỉ cố gắng, nỗ lực phát triển từng ngày, vì con đường này còn dài và được học hỏi, trải nghiệm, được sống cùng nó đã là quá hạnh phúc với tôi”.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201912/dua-huong-vi-que-nha-len-amazon-2980011/