Đưa huyện Triệu Phong thành địa phương mạnh về biển

Triệu Phong là 1 trong 4 huyện ven biển của tỉnh Quảng Trị, có đường bờ biển dài 18 km, ngư trường đánh bắt hải sản rộng; có đất liền ven biển gồm 3 xã: Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng; có cửa lạch, cảng cá, bến cá, có địa điểm thuận lợi xây dựng cảng biển; có tiềm năng về đất đai, nguồn nước để phát triển nuôi trồng, đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản, khoáng sản và phát triển năng lượng tái tạo. Cùng với lợi thế về vị trí, điều kiện tự nhiên, Triệu Phong là địa bàn có 6 xã: Triệu Phước, Triệu An, Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu Sơn, Triệu Trạch nằm trong Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh.

 Cảng cá Triệu An hôm nay

Cảng cá Triệu An hôm nay

Những năm qua, huyện Triệu Phong đã ban hành và triển khai hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch liên quan phát triển kinh tế biển như Kế hoạch số 21 ngày 2/10/2007 của Ban Thường vụ Huyện ủy về một số nhiệm vụ trước mắt thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 05 ngày 5/5/2017 của Huyện ủy, khóa XIX về khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển giai đoạn 2017- 2020; Kế hoạch số 47 ngày 13/7/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy, khóa XIX thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 29/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, khóa XVI về xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhờ đó, tiềm năng, thế mạnh của vùng biển được khai thác thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng biển nơi đây. Nguyên nhân là do việc khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản chưa thực sự ổn định, bền vững, khai thác đánh bắt hải sản xa bờ còn khó khăn. Nguồn lợi kinh tế ven biển khai thác chưa hiệu quả. Ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản chưa nhiều. Công tác quy hoạch, quản lí quy hoạch liên quan đến biển thiếu tổng thể, liên kết. Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Công nghiệp và dịch vụ phát triển chưa mạnh, chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung. Công tác đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân vùng ven biển còn hạn chế…

Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Phong, khóa XIX ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình hành động số 144 ngày 24/4/2019 của Tỉnh ủy, khóa XVI về thực hiện Nghị quyết số 36 của Trung ương. Theo đó, Chương trình hành động của Huyện ủy Triệu Phong với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng huyện Triệu Phong thành địa phương mạnh về biển của tỉnh. Do đó, trong thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề xã hội và nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển, biển xâm thực, ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại trong phát triển bền vững kinh tế biển. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường và tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia và khả năng tìm kiếm cứu hộ, phòng chống thiên tai, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Từ đó, giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 1,5% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người của các xã ven biển đến năm 2030 cao hơn so với thu nhập bình quân toàn huyện... Tầm nhìn đến 2045, huyện Triệu Phong thành huyện có nền kinh tế biển mạnh, phát triển bền vững, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của huyện.

Để đạt được mục tiêu đối với du lịch và dịch vụ biển, huyện Triệu Phong tập trung phát triển du lịch biển tương xứng với lợi thế sẵn có của vùng, gắn với tổng thể du lịch của huyện, tỉnh. Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật ngành du lịch đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, các khu du lịch ven biển. Xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển địa phương trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền.

Đối với nuôi trồng và khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần thủy sản, huyện Triệu Phong chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường biển. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ. Thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu có công suất cao, đánh bắt xa bờ. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững. Nghiêm cấm và xử lí nghiêm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt; tăng cường bảo vệ, tái sinh, phục hồi nguồn lợi hải sản gần bờ, đi đôi thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền và tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá.

Khuyến khích phát triển đội tàu hậu cần dịch vụ hoạt động trên biển, tạo điều kiện cho tàu hoạt động dài ngày trên biển, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, đóng góp nhiều cho tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chú trọng phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn; phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí- đóng, sửa chữa tàu. Phát triển cụm, điểm công nghiệp theo quy hoạch. Tích cực phối hợp triển khai Khu kinh tế Đông Nam. Kêu gọi đầu tư xây dựng cảng biển và phát triển các dịch vụ có liên quan... để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

NV

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140566