Đưa khán giả đến với sân khấu
Nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật để thu hút khán giả đến với sân khấu dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào là tiêu chí hàng đầu - đó là khẳng định của NSƯT Kiều Minh Hiếu - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam khi trao đổi phóng viên báo Đại Đoàn kết.
PV: Thưa NSƯT Kiều Minh Hiếu, được biết Nhà hát Kịch Việt Nam đang phải tự chủ một phần. Điều này gây ra khó khăn gì?
NSƯT Kiều Minh Hiếu: Có thể nói, các đơn vị nhà hát đang hoạt động theo định hướng bám vào chất lượng nghệ thuật thì tự chủ là vấn đề rất là khó khăn. Không phải bản thân các nhà hát không năng động nhưng trong hoạt động chính thống vẫn phải có nguồn cố định là ngân sách. Khi đó, nguồn ngân sách được coi như xương sống tạo chỗ dựa vững vàng hơn. Về phía Nhà hát Kịch Việt Nam chúng tôi chưa tự chủ toàn phần (mới tự chủ một phần).
Khó khăn ban đầu phải nói đến sự hạn chế về cơ sở vật chất. Rạp của nhà hát chỉ có sức chứa 180 chỗ ngồi, đó là số lượng rất là nhỏ so với nhu cầu thưởng thức của khán giả trong thời buổi xã hội hiện nay. Cùng với đó là trang thiết bị còn nhiều hạn chế.
Nhưng dù có khó khăn, ban lãnh đạo và tập thể nghệ sĩ diễn viên của nhà hát đã làm ra những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao. Từ đó mà sự năng động tự tìm nguồn thu cũng chủ động. Phía lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm xây dựng về nhân sự bộ khung lãnh đạo của nhà hát và tạo điều kiện cho thương hiệu của các nhà hát được chú trọng đẩy mạnh.
Ông có thể nói rõ hơn về các thành quả khi tự chủ?
-Những năm vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam không chỉ tổ chức biểu diễn trong nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiều tác phẩm đã nhận được sự đánh giá cao mà còn có những vở kịch dài biểu diễn ở nước ngoài. Đó là dòng chính kịch để tiếp cận khán giả và bà con kiều bào. Cũng với những kịch mục như thế, Nhà hát còn giao lưu và trao đổi nghệ thuật văn hóa với một số nước.
Phía Nhà hát có những định hướng nào trong việc phát triển tài năng trẻ?
-Chúng tôi không ngại giao vai cho những diễn viên trẻ mới ra trường. Lãnh đạo Nhà hát đã rất mạnh dạn trong việc sử dụng những tài năng. Chúng tôi không quan trọng vấn đề đã làm lâu hay mới ra trường. Trong quá trình tập sự nếu nhận thất thấy hợp với vai diễn và bộc lộ được tài năng là chúng tôi sẽ giao vai. Trong quá trình tập luyện chúng tôi sẽ uốn nắn để các em bắt nhịp được với phong cách diễn của Nhà hát.
Mặc dù thù lao mới chỉ ở mức tượng trưng đời sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng với lòng đam mê, máu nghề nghiệp được diễn đã vượt lên trên tất cả thì các em đã cố gắng cháy cùng nghề nghiệp.
Mới đây, chúng tôi được thực hiện cơ chế tự chủ trong tuyển dụng viên chức để cho các em chính thức được hưởng ngân sách. Bên cạnh những điều được khán giả và truyền thông ghi nhận thì việc được xét vào biên chế của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng là động lực để các em tài năng trẻ phấn đấu khẳng định mình và cống hiến hết mình vì nghệ thuật.
Năm 2020 là một năm khó khăn chung, dịch Covid đã tác động xấu tới nhiều ngành nghề mọi lĩnh vực. Đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn truyền thống, Nhà hát đã làm gì để có thể vượt qua và duy trì?
-Trong năm qua tuy phải đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid nhưng phía Nhà hát vẫn thực hiện được gần 100 buổi diễn. Đặc biệt tháng 10/2020 chúng tôi đã tổ chức được 26 buổi biểu diễn có doanh thu. Đây là nỗi lực lớn của lãnh đạo và tập thể cán bộ của Nhà hát.
Ngay sau khi hết giãn cách, chúng tôi đã ngay lập tức bắt tay vào công việc chuyên môn. Trong năm 2020 khó khăn chồng chất như vậy nhưng chúng tôi vẫn dựng được 2 vở mới và phục dựng 1 vở kịch được hội đồng nghệ thuật nhà hát đánh giá là một vở kịch hay như vở kịch “Bệnh sĩ” và vở kịch “Điều còn lại”, hai vở kịch này được đón nhận sự quan tâm của khán giả.
Vậy những mục tiêu, định hướng nào được Nhà hát Kịch Việt Nam lựa chọn trong năm 2021?
-Ngay trong tháng 1/2021 chúng tôi đã triển khai những tác phẩm đình đám như vở “Đêm trắng” do NSƯT Xuân Bắc làm đạo diễn. Tới đây sẽ có 2 đêm biểu diễn tại Nhà hát lớn.
“Đêm trắng” là vở kịch về đề tài chống tham nhũng. Nội dung nói về những ngày đầu tiên của ngành tư pháp Việt . Có thể nói, đây là một dạng đề tài đang rất là nóng trong xã hội. Mặc dù là vở kịch cũ nhưng với cách kể hiện đại, lối diễn hiện đại đã được các nhà chuyên môn và hội đồng duyệt đánh giá rất tốt.
Bên cạnh đó, Nhà hát nahf hcũng đang thực hiện một dự án ý nghĩa mang tính chất tuyên truyền về đề tài an toàn giao thông. Qua vở diễn chúng tôi muốn truyền đi thông điệp đã uống rượu bia thì không lái xe.
Nói chung với những đề tài xã hội, hướng của nhà hát không phải truyền thông một cách đơn thuần như việc hô khẩu hiệu, căng băng rôn mà là gửi gắm tới khán giả thông điệp cụ thể qua các tác phẩm nghệ thuật.
Định hướng không vượt chức năng của Nhà hát. Tức là sưu tầm, dàn dựng, phát triển bộ môn nghệ thuật kịch nói. Đảm bảo chất lượng nghệ thuật, đây điều kiên quyết của Nhà hát Kịch Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nhà hát Kịch Việt - “anh cả đỏ” của Sân khấu Kịch nói được thành lập tháng 12/1952 tại chiến khu Việt Bắc, tiền thân là Đội kịch thoại thuộc Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Trải qua 69 năm xây dựng và trưởng thành Nhà hát đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dua-khan-gia-den-voi-san-khau-549267.html