Đưa Khu Công nghệ cao TPHCM trở thành tiểu đô thị khoa học công nghệ
Tổng giá trị thu hút đầu tư tại Khu Công nghệ cao TPHCM đạt 12 tỷ USD, trong đó có 10 tỷ USD từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Sáng 29/10, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (24/10/2002 – 24/10/2022).
Sau 20 năm hình thành và phát triển, SHTP dần rõ nét là một khu đô thị khoa học công nghệ (KHCN) mới của Việt Nam, làm hạt nhân và động lực phát triển cho xây dựng khu đô thị đổi mới sáng tạo và tương tác cao phía Đông TPHCM.
Hạ tầng và vị trí của SHTP được kết nối thông suốt, đồng bộ với đường Vành đai 2 và Vành đai 3 sắp hình thành; hệ thống giao thông hiện đại kết nối trực tiếp với tuyến metro thành phố, sân bay quốc tế; đồng thời kết nối với hàng chục khu công nghiệp, khu chế xuất của TPHCM và các địa phương lân cận.
Đến nay, tổng giá trị thu hút đầu tư tại SHTP đạt 12 tỷ USD, trong đó có 10 tỷ USD từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) công nghệ cao (như Intel, Samsung, Nidec, Nipro) và 2 tỷ USD từ các doanh nghiệp công nghệ trong nước.
Kim ngạch xuất khẩu của SHTP tăng dần hàng năm, năm 2021 đạt gần 21 tỷ USD và chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của TPHCM, năm 2022 dự kiến đạt 23 tỷ USD. Cộng đồng doanh nghiệp trong SHTP ngày một phát triển và lớn mạnh với hơn 52.000 lao động kỹ thuật cao, trong đó có khoảng 600 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cấp cao người nước ngoài.
Kim ngạch xuất khẩu của SHTP tăng dần hàng năm, năm 2021 đạt gần 21 tỷ USD và chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của TPHCM, năm 2022 dự kiến đạt 23 tỷ USD.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý SHTP cho biết đơn vị đặt mục tiêu đổi mới mô hình quản lý, quản trị, vận hành SHTP gắn với chuyển đổi số; nâng cấp và mở rộng SHTP hiện hữu theo hướng là khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao hội tụ với công nghệ số; đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp trong khu với cộng đồng doanh nghiệp, các trường, viện trong khu vực.
Phấn đấu đến năm 2045, SHTP cơ bản trở thành tiểu đô thị khoa học, công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và là hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, động lực của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ghi nhận những thành tựu của SHTP, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thành phố mong muốn SHTP tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến 2030, cụ thể là hoàn thiện, nâng cấp hoạt động, trong đó tập trung lan tỏa công nghệ cao, nền tảng số, công nghệ số; phát triển, ứng dụng công nghệ để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ưu tiên thu hút đầu tư đối với các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, năng lượng mới, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và môi trường.
Cùng với đó, khu vực này cũng được kỳ vọng tạo nhiều nguồn lực thúc đẩy hỗ trợ phát triển năng lực KHCN nội sinh và liên kết chặt chẽ với các khu chế xuất, khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu.
Để tiếp tục duy trì tăng trưởng như thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề nghị Ban Quản lý SHTP mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù giúp nâng cao chất lượng và phát triển bền vững nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động công nghệ cao.
“Khu Công nghệ cao TPHCM cần xác định vai trò đầu tàu trong phát triển, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo”, ông Đạt trao đổi.