Đưa kiến thức pháp luật đến với thanh niên, học sinh

Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9-11, trong thời gian vừa qua các cấp bộ, đoàn đã tăng cường tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật đến đông đảo lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh. Nhiều cách làm mới được triển khai đem lại những hiệu ứng tích cực…

Thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương còn tổ chức các buổi xét xử lưu động và tổ chức phiên tòa giả định ngay tại các địa phương, trường học, nhằm giúp các em học sinh, đoàn viên thanh niên thấy được kết cục, hậu quả nếu như vi phạm pháp luật.

Công tác tuyên truyền pháp luật qua các phiên tòa giả định đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng động và nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”

Sáng ngày 17-11-2020, trường ĐH Kiểm sát Hà Nội tổ chức phiên tòa giả định vụ án Mua bán người. Đây là hoạt động nằm trong chương trình hợp tác quốc tế năm 2020 giữa trường ĐH Kiểm sát Hà Nội với chương trình Hợp tác Asean – Australia về phòng, chống mua bán người (Asean ACT). Các vai diễn người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong phiên tòa do các sinh viên của nhà trường đảm nhiệm.

Các phiên tòa giả định thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham dự.

Các phiên tòa giả định thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham dự.

Quá trình diễn ra phiên tòa giả định, các tình tiết trong vụ án đã thực sự lôi cuốn đối với đoàn viên, thanh niên đến tham dự, những vai diễn được các đơn vị lựa chọn phù hợp, đảm bảo chất lượng trong công tác tuyên truyền pháp luật phù hợp với tâm lý, sự hiểu biết pháp luật của đoàn viên thanh niên tham dự tại phiên tòa, đặc biệt là hình ảnh, vai trò của kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng lên.

Trong thời gian qua, tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Vấn nạn này gây tâm lý hoang mang lo sợ trong quần chúng nhân dân, gây mất ổn định trật tự trị an trong cuộc sống. Phiên tòa giả định được tổ chức với mục đích tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong quần chúng nhân dân; đồng thời, giúp sinh viên trường ĐH Kiểm sát Hà Nội nắm vững được quy trình tố tụng để giải quyết các vụ án hình sự nói chung và vụ án mua bán người nói riêng. Phiên tòa cũng là nơi thể hiện năng lực, trí tuệ, nhiệt huyết và bản sắc riêng của sinh viên nhà trường.

Kết thúc phiên tòa, Ban cố vấn và đại diện Asean ACT đã có những nhận xét, đánh giá về chuyên môn, kĩ năng tố tụng và trao các phần thưởng cho các thành viên có sự thể hiện xuất sắc. Đây là những kinh nghiệm quý báu để sinh viên trường ĐH Kiểm sát Hà Nội hoàn thiện bản thân mình và tự tin đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác trong thời gian tới.

Ngoài việc tổ chức các phiên tòa lưu động nhằm răn đe, giáo dục cho đối tượng thanh niên, học sinh, các phiên tòa giả định cũng được tổ chức nhiều hơn. Vào ngày 24-10, Chi đoàn VKSND tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ tổ chức phiên tòa giả định. Đây là phiên tòa giả định dựa trên một vụ án có thật, xét xử thanh niên sinh năm 2000 dùng vũ lực, đe dọa nạn nhân để xâm hại tình dục. Phiên tòa giả định này đã thu hút được hơn 400 đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia.

Trước đó, VKSND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An phối hợp với TAND, CA, Huyện đoàn và Hội đồng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật huyện Quỳ Hợp tổ chức phiên tòa giả định vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” tại trường THPT Quỳ Hợp I. Phiên tòa giả định đã tái hiện một vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” mà bị cáo là người chưa thành niên, còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Cơ quan kiểm sát đã nhiều lần tổ chức các phiên tòa giả định, việc tổ chức các phiên tòa giả định là cách tuyên truyền giáo dục pháp luật hướng đến thực tế, gần với sự hiểu biết của các đối tượng học sinh, thanh niên. Từ các vụ án có thật, qua diễn xuất của những diễn viên không chuyên đã giúp người nghe hiểu hơn các tình huống vi phạm pháp luật. Qua đó tự bản thân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng chống các tệ nạn, các hành vi vi phạm pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời đại 4.0, việc ghi hình và đưa các phiên tòa giả định lên phương tiện truyền thông, mạng xã hội được đánh giá là góp phần quan trọng, không chỉ hỗ trợ việc nghiên cứu, đánh giá kết quả hoạt động của các giai đoạn điều tra, truy tố mà còn góp phần to lớn cho hoạt động lan truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người trẻ, thanh thiếu niên.

Hiệu quả mang lại từ các phiên tòa giả định cho thấy, công tác tuyên truyền pháp luật thông qua mô hình này là hoạt động rất ý nghĩa, đạt chất lượng trong việc tuyên truyền pháp luật, bên cạnh đó, các phiên tòa được quay, ghi hình và biên tập với nội dung tuyên truyền đa dạng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.

Anh Hùng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dua-kien-thuc-phap-luat-den-voi-thanh-nien-hoc-sinh-218626.html