Đưa kinh tế Thủ đô phát triển toàn diện, nhanh, bền vững
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Thủ đô Hà Nội 'Văn hiến - Văn minh - Hiện đại', trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch, hiện đại hóa đô thị
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch, đặc biệt là xây dựng dự thảo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065. Một số quy hoạch cơ bản đã hoàn thiện là: Quy hoạch đô thị trung tâm với 35/35 đồ án quy hoạch phân khu, 14/14 quy hoạch chung các huyện, thị trấn, đô thị vệ tinh; quy hoạch chung thị trấn, thị trấn sinh thái; 293/308 quy hoạch xây dựng nông thôn.
Về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và một số quy hoạch đặc thù, Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ chuyên ngành phê duyệt 8/9 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật Thành phố, hiện nay đang rà soát lại 8 quy hoạch chuyên ngành để phù hợp với việc điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Chất lượng quy hoạch được nâng cao, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch.
Đối với chỉ tiêu về chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, Thành phố tiếp tục tập trung vào công tác chỉnh trang hè, đường phố, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ủy ban nhân dân (UBND) các quận huyện, thị xã, các đơn vị quản lý duy tu duy trì cây xanh theo phân cấp thường xuyên kiểm tra hệ thống cây xanh, kịp thời thay thế cây sâu mục, chết, nguy hiểm, cắt tỉa cây nặng tán, cây có cành ảnh hưởng đến giao thông nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Công tác chỉnh trang nhà biệt thự và các công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia thực hiện công tác cải tạo, trùng tu, chỉnh trang các biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố. Hà Nội phấn đấu cuối năm 2025 bảo tồn, chỉnh trang 36 biệt thự và 15 công trình kiến trúc khác, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy.
Mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị
Nhằm phát triển đồng bộ, hiện đại hóa và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, Thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông:
Đã khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong tháng 6/2023; đưa vào sử dụng Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch và đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi - cầu Nhật Tân; thông xe cầu Vĩnh Tuy 2; khởi công dự án tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường Vành đai 3; nghiên cứu, triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các cầu lớn vượt sông Hồng: Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng… để khớp nối đồng bộ với đường Vành đai 4.
Nhằm phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bền vững, Hà Nội tiếp tục hoàn chỉnh Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung chỉ đạo phát triển các khu vực mới của đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, bền vững đảm bảo hài hòa mối liên kết giữa đô thị và nông thôn, tạo điều kiện, động lực thúc đẩy phát triển khu vực ngoại thành; hình thành những vùng chuyển tiếp, vành đai xanh giữa đô thị và nông thôn phù hợp với từng khu vực phát triển.
Tiếp tục triển khai Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chú trọng đầu tư phát triển đô thị theo định hướng đô thị thông minh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ hiện đại nhằm đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ICT để nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng các cụm công nghiệp xanh, hiện đại
“Công nghiệp Xanh” là cụm từ đang được các doanh nghiệp đặt mục đích hướng tới. Đặc biệt, khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái, xu hướng phát triển công nghiệp xanh được chú trọng hơn. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội và mang nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nền công nghiệp khác.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha, thu hút được khoảng 3.864 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh với gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.
Trong đó, có 25/70 cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu; 45/70 cụm công nghiệp còn nhiều hạng mục hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng theo quy định, thậm chí còn nhiều cụm công nghiệp (hình thành từ trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp) cơ bản chưa được đầu tư hạ tầng.
Các cụm công nghiệp này được giao cho Ban quản lý dự án đầu tư cấp huyện làm chủ đầu tư; kinh phí hoạt động được bố trí từ ngân sách huyện nên rất hạn chế trong đầu tư xây dựng, bổ sung công trình còn thiếu hoặc sửa chữa, nâng cấp, duy tu hạ tầng cho các cụm công nghiệp.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, công tác quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua đã được quy định thống nhất, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Hà Nội đang là một trong những thành phố hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là những cụm công nghiệp đã được phê duyệt, hiện đang đưa vào hoạt động và có tiềm năng phát triển gần với trung tâm Thủ đô, hệ thống đường giao thông nội bộ được thiết kế đảm bảo cho các phương tiện di chuyển một cách dễ dàng và thuận tiện.
Bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, đầu tư vào khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố là đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, với mục tiêu đạt được chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 là 10,2%/năm. Điều này cũng nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết, thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Với các cụm công nghiệp mới xây dựng, cần làm chuẩn chỉ ngay từ công tác quy hoạch để có hạ tầng hoàn chỉnh.
“Các cụm công nghiệp cần được xây dựng đồng bộ từ đường giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, viễn thông, khu sản xuất, khu thương mại dịch vụ, khu bến bãi, tường rào…; chỉ được phục vụ sản xuất, không được ở… để có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn, đạt được hiệu quả tốt hơn, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay.
Ngoài ra, các chủ đầu tư cần tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư thứ phát, ưu tiên thu hút công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường… để phát huy tối đa hiệu quả của các dự án…
Có thể thấy, việc hình thành và phát triển mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ góp phần đáp ứng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.