Đưa kinh tế Việt Nam vượt qua những 'cơn gió ngược'

Chiều qua, khoảng 1.000 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, cùng nhận diện về các thách thức và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm duy trì ổn định vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn để đưa kinh tế Việt Nam vượt qua những 'cơn gió ngược'.

Những "cơn gió ngược"

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023 gồm một phiên toàn thể về tổng quan kinh tế Việt Nam và các gợi ý chính sách, định hướng điều hành trong năm 2023. Bốn hội thảo chuyên đề của Diễn đàn tập trung vào bốn chủ đề: (1) Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới; (2) Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; (3) Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp; (4) Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023.

Đây là lần thứ 5 Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sự kiện này. Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, đánh giá, kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện. Theo đó, GDP tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đang phải đối mặt với khó khăn, Trưởng Ban Kinh tế nhấn mạnh. Sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước, hệ lụy là ở một số lĩnh vực người lao động đã bị mất việc làm. Cán cân thương mại dịch vụ vẫn đang bị mất cân đối ngày càng lớn. Tỷ giá và lãi suất trong mấy tháng gần đây có những bước tăng đột biến phản ánh mức độ căng thẳng thanh khoản trên thị trường tài chính ngân hàng. Giải ngân đầu tư công thấp, 11 tháng ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần nhận diện đúng các cơ hội, những khó khăn thách thức và đề xuất các chủ trương, chính sách thích ứng phù hợp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Cũng lưu ý về những "cơn gió ngược" đang xuất hiện, bao gồm việc thắt chặt tiền tệ, nhu cầu toàn cầu suy yếu với hàng xuất khẩu của Việt Nam và những bất thường trên thị trường trái phiếu, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 từ mức 6,7% xuống 6,3%.

"Với bối cảnh trên, các phản ứng chính sách của Việt Nam cần hướng tới sự cân băng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm sự vận hành của hệ thống tài chính", đại diện ADB khuyến nghị, đồng thời cảnh báo Việt Nam nên cảnh giác lạm phát trong năm 2023.

Để ứng phó với những thách thức trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu 8 nhóm nhiệm vụ; trong đó, nhấn mạnh, cần “lấy đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước”.

Lấy lại niềm tin của nhà đầu tư

Trước những vướng mắc hiện nay của thị trường tài chính, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Trước hết là phải minh bạch thông tin và thông điệp mạnh mẽ. Tiếp đến là sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan. Cùng với đó có phương án cụ thể, khả thi cho thị trường trái phiếu thời gian tới.

Cùng với đó, phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ rào cản pháp lý và vốn cho nền kinh tế. Cụ thể là bảo đảm 4 cân bằng: Cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng; Cân bằng giữa điều hành lãi suất và tỷ giá; Cân bằng giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp người dân; Cân bằng giữa vốn đầu tư nhà nước và tư nhân.

Cũng theo ông Lực, Nhà nước cần khơi thông các nguồn vốn, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa Chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và hết sức quan tâm tới pháp lý cho hàng nghìn dự án bất động sản đang tồn đọng trên cả nước. Cùng với đó, khơi thông nhanh dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp và tăng cường vốn tăng trưởng xanh.

Nhóm giải pháp thứ ba là bảo đảm thanh khoản của thị trường, bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng. Cần sớm có giải pháp xử lý các ngân hàng yếu kém, không để rủi ro lan truyền giữa chứng khoán, bất động sản và ngân hàng.

Hỗ trợ người lao động cả trong ngắn hạn và dài hạn

Tại phiên thảo luận chuyên đề về Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, từ tháng 9 đến nay đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương bị thiếu, cắt giảm đơn hàng. Điều này dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống. Cụ thể, từ tháng 9.2022 cho đến hết ngày 10.12 đã có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, để giảm bớt khó khăn cho người lao động, giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023 cần nhiều giải pháp đồng bộ. Mục đích là vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.

“Cần tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động, triển khai các hình thức, phương thức giúp người lao động dễ tiếp cận thông tin tuyển dụng, với các nguồn tuyển dụng uy tín, các doanh nghiệp, tổ chức đang cần tuyển việc làm”, ông Ngọ Duy Hiểu kiến nghị.

Đồng thời, tiếp tục có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để doanh nghiệp trả lương cơ bản giữ chân người lao động, đào tạo, đào tạo lại người lao động, tái cơ cấu doanh nghiệp, chuyển đổi vị trí việc làm trong doanh nghiệp…

Về lâu dài, cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng để người lao động sau một thời gian làm việc có được tích lũy ở mức cần thiết để khi gặp khó khăn, họ vẫn có tiền để duy trì cuộc sống. Bên cạnh đó, phải mở rộng chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm đủ sức để hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn. Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố có nguồn dự phòng cho hoạt động của doanh nghiệp nói chung, trong đó có hỗ trợ người lao động trong thời điểm mất việc.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/dua-kinh-te-viet-nam-vuot-qua-nhung-con-gio-nguoc-i311694/