Đưa Lai Châu trở thành 'thủ phủ mắc-ca'

Sau 10 năm, màu xanh của mắc-ca đã trải dài trên đồng đất Lai Châu, cho thấy sự phù hợp của loại cây trồng này. Nhiều doanh nghiệp thuê đất và liên kết với người dân sở tại trồng cây mắc-ca mang lại lợi ích cho các bên. Một trong những doanh nghiệp đã và đang thực hiện hiệu quả việc liên kết đó chính là Công ty Cổ phần (CTCP) Dương Gia Lai Châu (trước đây là Công ty TNHH Him Lam Lai Châu). Cái 'bắt tay' này đang hiện thực hóa ước mơ đưa Lai Châu trở thành 'thủ phủ' của mắc-ca Tây Bắc.

Một ngày tháng 6 mưa sụt sùi, ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc CTCP Dương Gia Lai Châu nhiệt tình cùng chúng tôi vượt rừng, leo qua từng quả đồi đến thăm những khu vườn mắc-ca do Công ty trồng tại huyện Than Uyên. Trong 2.060ha đất được tỉnh cấp chủ trương đầu tư cây mắc-ca ở 4 dự án tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, đến nay Công ty đã trồng được 1.093ha, trong đó khoảng 50ha bắt đầu cho thu hoạch tại xã Mường Cang (huyện Than Uyên).

Ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc CTCP Dương Gia Lai Châu cùng cán bộ dự án thăm dự án mắc-ca tại xã Mường Cang.

Ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc CTCP Dương Gia Lai Châu cùng cán bộ dự án thăm dự án mắc-ca tại xã Mường Cang.

Phấn khởi vì đã được cầm trên tay thành quả sau bao ngày mong đợi, nhìn những chùm mắc-ca sai lúc lỉu, quả căng tròn và xanh mướt, anh Dũng tự hào: Đây là những giống mắc-ca được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép, trong đó giống mắc-ca phù hợp nhất với thổ nhưỡng, khí hậu Lai Châu là OC, QN1 và 246. Để có được sản phẩm như hôm nay, Công ty đã đầu tư không ít kinh phí, công sức đầu tư hạ tầng đường giao thông để thuận lợi cho việc trồng, chăm sóc cây mắc-ca. Bộ máy lãnh đạo, toàn thể cán bộ, công nhân, người lao động của Công ty đã trải qua nhiều khó khăn vất vả. Khó khăn là bởi, hầu hết các xã thuộc dự án trồng mắc-ca đều nằm trên các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; giao thông, điện, nước… chưa được đầy đủ khiến cho quá trình vận chuyển cây giống, phân bón vào khu vực trồng rất vất vả. Song chúng tôi tin với ý chí và quyết tâm, kiên trì, những vùng mắc-ca sẽ còn tiếp tục phủ xanh những khoảng đất trống, đồi trọc của Lai Châu.

Những vườn mắc-ca của CTCP Dương Gia Lai Châu đang phủ xanh đồi trọc, đất trống của Lai Châu.

Những vườn mắc-ca của CTCP Dương Gia Lai Châu đang phủ xanh đồi trọc, đất trống của Lai Châu.

Việc đưa cây mắc-ca vào trồng tại địa hình Lai Châu với những hiệu quả bước đầu đầy hy vọng. Theo tính toán, mật độ mắc ca trồng với tỷ lệ 280 cây/ha. Khoảng năm thứ 6 trở đi, nếu chăm sóc tốt, sai quả có thể thu hoạch 40kg quả/cây. Khi đi vào hoạt động ổn định, trung bình có thể cho thu nhập 500-800.000 đồng/cây mắc-ca (thu hoạch 1 vụ/năm). Vụ thu hoạch đầu tiên của dự án mắc-ca tại xã Mường Cang năm nay được ước tính sản lượng đạt khoảng 10 tấn hạt tươi với giá trị trường 75.000 đồng/kg hạt mắc-ca. Hiện nay, CTCP Dương Gia đang tiếp tục mở rộng các dự án ở nhiều xã như: Nậm Cuổi, Nậm Hăn (huyện Sìn Hồ) và Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên) và phấn đấu đến năm 2030 sẽ trồng được 10.000ha cây mắc-ca. Công ty cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ hạt mắc-ca phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiệu quả kinh tế theo tính toán thì đã rõ, song về mặt sinh kế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, hiện nay Công ty cũng đang thực hiện rất tốt. Tại Dự án mắc-ca ở 2 xã Mường Mít, Mường Cang (huyện Than Uyên), vợ chồng chị Lìm Thị Dung và anh Lò Thanh Minh hiện đều là quản lý của dự án mắc-ca của 2 xã trên. Tổng mức lương mà vợ chồng chị Dung được nhận mỗi tháng là 15 triệu đồng, chưa kể tiền ăn, phụ cấp xăng xe, điện thoại và thưởng lương tháng thứ 13, 14. Công ty còn xây dựng nhà điều hành, đầu tư thiết bị năng lượng mặt trời để cán bộ kỹ thuật và người lao động làm việc, nghỉ ngơi.

Vợ chồng chị Dung tin tưởng, yên tâm công tác, cống hiến sức mình xây dựng Công ty.

Vợ chồng chị Dung tin tưởng, yên tâm công tác, cống hiến sức mình xây dựng Công ty.

Thu nhập đảm bảo, 2 vợ chồng chị yên tâm công tác, gắn bó, cống hiến hết mình cho Công ty. Ngoài ra, cán bộ, người lao động phụ trách tại các đồi mắc-ca có thể tận dụng nguồn đất để chăn nuôi, tạo thu nhập cho gia đình.

Mắc-ca là cây có tuổi đời hàng trăm năm, sau 5-6 năm trồng sẽ cho thu hoạch; năng suất quả tươi ước đạt khoảng 1,5 tấn/ha/năm, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng bởi nhu cầu thị trường lớn. Như vậy, thu nhập mỗi năm từ cây mắc-ca có thể đạt từ 120 - 130 triệu đồng/ha, tạo hướng xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho người dân Lai Châu. Với tiềm năng kinh tế thấy rõ, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ trồng mới trên 35.000ha; giai đoạn 2031-2050 trồng mới thêm 20.000ha và phấn đấu trở thành “thủ phủ” mắc-ca của cả nước. Với hướng đi đúng đắn, CTCP Dương Gia đã và đang sát cánh cùng Lai Châu trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của thiên đường mắc-ca.

Thu Trang

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/%C4%91%C6%B0a-lai-ch%C3%A2u-tr%E1%BB%9F-th%C3%A0nh-th%E1%BB%A7-ph%E1%BB%A7-m%E1%BA%AFc-ca