Đưa Lâm Đồng thành 'Thiên đường xanh' hàng đầu Đông Nam Á
Quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt đặt mục tiêu đưa Lâm Đồng thành trung tâm nghiên cứu công nghệ cao và khẳng định vị thế 'thiên đường xanh' với các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, chăm sóc sức khỏe, thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.
Tỉnh Lâm Đồng sẽ lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.
Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm... Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng; phát triển không gian đô thị hiệu quả, hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế.
Về chỉ số phát triển, Lâm Đồng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,5% - 9%/năm. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ lệ 29,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 27,3% và dịch vụ chiếm tỷ lệ 43,2%.
GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/người. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm chiếm khoảng 35% - 36% GRDP.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Thành phố Đà Lạt phát triển kinh tế đêm, đẳng cấp quốc tế
Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, Lâm Đồng phát triển thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa có giá trị cao trên thị trường Đông Nam Á.
Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản, tăng tỷ lệ xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc hữu.
Hình thành nhiều chuỗi giá trị nông sản gắn với sàn giao dịch điện tử thương mại quốc gia, quốc tế. Hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.
Quy hoạch đặt mục tiêu phải bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh nguồn nước; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân.
Phấn đấu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
Phát triển hệ thống khu, điểm du lịch theo các cụm không gian du lịch, hành lang kinh tế. Trong đó, Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, phát triển kinh tế ban đêm, hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành vệ tinh, trung tâm du lịch cấp vùng.
Lâm Đồng sẽ phát triển các trung tâm du lịch: Sinh thái - nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe thể thao hàng đầu Việt Nam tại thành phố Bảo Lộc và các huyện có tiềm năng du lịch.