Đưa Luật Thư viện 2019 đến đội ngũ người làm công tác thư viện
Sau khi Luật Thư viện có hiệu lực, nhiều hoạt động tuyên tuyền phổ biến Luật đã được tổ chức giúp đội ngũ những người làm công tác thư viện nắm bắt và triển khai các nội dung cơ bản, quan trọng của Luật.
Luật Thư viện được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2020. Đó là một dấu mốc quan trọng đối với ngành thư viện, mở ra một thời kỳ mới trong phát triển văn hóa đọc của đất nước.
Để Luật Thư viện được áp dụng một cách hiệu quả, thực chất trong đời sống đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến thư viện trên lãnh thổ Việt Nam phải có sự hiểu biết và thực hiện nghiêm túc những quy định của Luật. Từ các cấp lãnh lãnh đạo, người quản lý thư viện, nhân viên thư viện, tổ chức, cá nhân hỗ trợ thư viện, các cộng tác viên đến người sử dụng thư viện. Để có được điều đó, công tác phổ biến và triển khai thực hiện Luật Thư viện, các văn bản hướng dẫn như Nghị định, Thông tư và các văn bản quy định liên quan cần được thực hiện một cách nghiêm túc có hiệu quả. Những ngày này, nhiều Bộ, ngành và địa phương đã tổ chức các buổi Tọa đàm nhằm tuyên truyền phố biến để đưa Luật vào cuộc sống.
Mới đây nhất tại Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học Xã hội vừa tổ chức Tọa đàm khoa học về Luật Thư viện 2019 đến đội ngũ người làm công tác thư viện trong các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Tại Tọa đàm, TS. Vũ Dương Thúy Ngà -Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã giới thiệu những nội dung chính trong Luật thư viện 2019 (đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) cũng như các văn bản liên quan, cụ thể: Giới thiệu toàn văn Luật thư viện; dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện; 02 Thông tư mới ban hành (Thông tư số 01/2020/TT-BVHTTDL quy định các mẫu văn bản thông báo thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện và Thông tư số 02/2020/TT-BVHTTDL quy định về bảo quản, thanh lọc tài nguyên thông tin và tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng trong thư viện); Các yêu cầu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành Luật Thư viện.
Tọa đàm được tổ chức nhằm giúp đội ngũ những người làm công tác thư viện nắm bắt và triển khai các nội dung cơ bản, quan trọng của Luật Thư viện. Tại Tọa đàm nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận và giải đáp: Vấn đề phát triển thư viện số, liên thông trong hoạt động thư viện, các quy định về chuyên môn nghiệp vụ, vấn đề bản quyền trong thư viện, các yêu cầu đặt ra đối với người làm công tác thư viện, vấn đề phổ biến luật cho người sử dụng thư viện, vấn đề phát triển văn hóa đọc trong cán bộ nghiên cứu…
Thông qua Tọa đàm về Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn đã được phổ biến và hướng dẫn khi triển khai giúp cho các cán bộ quản lý và nhân viên thư viện thuộc hệ thống thư viện Viện nghiên cứu chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong việc cung ứng các dịch vụ phục vụ công tác nghiên cứu của cán bộ, viên chức của Viện và của người sử dụng ngày một chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Tiếp đến, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng vừa tổ chức buổi Tọa đàm "Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin thư viện hỗ trợ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong trường đại học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".
Tại buổi tọa đàm, nhiều tham luận và ý kiến phát biểu đã đề cập đến những vấn đề như: triển khai Luật Thư viện; bổ sung nguồn tài liệu đáp ứng yêu cầu của các chương trình đào tạo; xây dựng thư viện mở - thân thiện; tăng cường sự gắn kết giữa thư viện và các đơn vị đào tạo trong việc phát triển nguồn học liệu phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu… Một số giải pháp kỹ thuật được đề xuất như: duy trì và phát triển hệ sinh thái tài nguyên khoa học và công nghệ bền vững, Không gian học tập chung, xu hướng phát triển thư viện thân thiện tại các trường đại học...
Đề cao sáng kiến của Thư viện Trường ĐHSP Hà Nội 2, tổ chức buổi tọa đàm có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn giáo dục nước nhà đang có nhiều chuyển biến, đặc biệt Luật Giáo dục Đại học được sửa đổi và Luật Thư viện vừa có hiệu lực, TS. Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định: Buổi tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo, giảng viên và người học trao đổi, đánh giá thực trạng hoạt động thông tin thư viện và đưa ra các giải pháp hữu ích góp phần đưa Luật Thư viện đi vào cuộc sống, tạo cơ hội để Thư viện các trường đại học cùng hợp tác, phát triển theo hướng hiện đại hóa, đẩy mạnh liên thông để có thể phục vụ bạn đọc hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và học tập của người dạy và người học trong nhà trường.
Đồng thời thư viện đại học cũng cần tích cực góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, trở thành giảng đường thứ hai để bạn đọc tự học, học tập suốt đời, phục vụ đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện, bà Ngà nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến và hướng dẫn thi hành Luật Thư viện. Mọi người đều hy vọng và tin tưởng: Luật Thư viện khi có hiệu lực thực sự sẽ tạo động lực cho thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam phát triển. Nhờ đó, người dân Việt Nam từng bước sẽ có điều kiện và môi trường tốt hơn, thân thiện hơn để tiếp cận thông tin và tri thức, thực hiện việc học tập suốt đời một cách dễ dàng, thuận lợi ở mọi nơi, mọi lúc.