Đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống:Kỳ 2: Triển khai linh hoạt các giải pháp, mô hình

Ngay khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành và có hiệu lực, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã chủ động, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp, mô hình sáng tạo đưa Luật vào thực tiễn cuộc sống. Qua đó, phát huy sức mạnh nhân dân, tạo động lực xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát

Những năm qua, thành phố Sơn La có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng cao. Vì vậy, khi tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở” tỉnh Sơn La năm 2024, Đảng bộ Thành phố liên tiếp dẫn đầu 4 tuần thi.

Đồng chí Lưu Minh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Đồng chí Lưu Minh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong thành phố đã thực hiện tốt việc công khai các nội dung để nhân dân biết, như: Các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội; quy hoạch, kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng nông thôn mới; các chính sách an sinh xã hội, quy định về thủ tục hành chính...

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố chỉ đạo triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư 32 dự án khởi công mới; hướng dẫn đầu tư 62 công trình theo hình thức “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp và các nguồn huy động khác 8 tỷ đồng, còn lại ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ, Thành phố ban hành 98 quyết định thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ khác, tổng diện tích đất thu hồi trên 18.000 m2, số tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất 102 hộ, số tiền hơn 37,7 tỷ đồng; phải di chuyển nhà ở, giao đất tái định cư đối với 20 hộ; chi trả bồi thường, hỗ trợ 96 hộ với số tiền gần 40 tỷ đồng. Các quyết định, dự án đều được Thành phố công khai minh bạch thông tin, thực hiện đúng lộ trình, kế hoạch nên đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Cùng với đó, đến nay, 12/12 xã, phường, triển khai mô hình nâng cao năng lực “Giám sát đầu tư của cộng đồng”. Các ban giám sát đầu tư cộng đồng xã, phường có ít nhất 5 thành viên trở lên, gồm: Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, phường; Ban Thanh tra nhân dân và đại diện người dân các tổ, bản nơi triển khai chương trình, dự án. Ban giám sát cộng đồng có nhiệm vụ thu thập tài liệu, theo dõi, đánh giá hiệu quả đầu tư; theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư, loại vật tư; kết quả nghiệm thu, quyết toán công trình. Đồng thời, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm về đầu tư.

Thi công tuyến đường liên bản, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La.

Thi công tuyến đường liên bản, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La.

Ông Cà Văn Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Quyết Thắng, Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường, thông tin: Mỗi công trình, dự án, phường đều ra quyết định thành lập ban giám sát đầu tư cộng đồng, trong đó, đồng chí bí thư chi bộ, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố là thành viên; đồng thời, là tổ trưởng tổ giám sát, nên đã phát huy hiệu quả. Đơn cử, kiểm tra thi công Nhà văn hóa tổ 4, phường Quyết Thắng, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng của tổ đề nghị đơn vị thi công căn chỉnh lại chính xác các chân cột nhà văn hóa, đan thép cột đáp ứng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng thiết kế đã duyệt.

Hiện nay, việc phát huy dân chủ tại cơ sở trong tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, tiểu khu trong tỉnh đạt kết quả tích cực. Trong đó, Thuận Châu là huyện có số bản sáp nhập nhiều nhất với 234 bản, giảm từ 570 bản xuống còn 336 bản.

Đồng chí Nguyễn Đắc Lực, Bí thư Huyện ủy Thuận Châu, cho biết: Việc sắp xếp, sáp nhập bản là nhiệm vụ lớn, phạm vi rộng, liên quan hầu hết các xã, tác động đến cán bộ cơ sở và người dân. Thống nhất tư tưởng, hành động trong toàn Đảng bộ, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện tổ chức họp, đối thoại, tiếp xúc cử tri, phổ biến, giải đáp băn khoăn, thắc mắc của người dân. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cấp ủy viên phụ trách địa bàn, trực tiếp theo dõi, giám sát, giải quyết các vấn đề nảy sinh; chỉ đạo các phòng, ban, xã, thị trấn triển khai đúng các bước quy trình sắp xếp, sáp nhập bản... Vì vậy, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.

Dân hưởng lợi từ "Chính quyền thân thiện"

Gắn thực hiện dân chủ cơ sở với thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh triển khai thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện” tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu; xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã và phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La. Điểm nhấn của mô hình là thực hiện tốt nguyên tắc “4 tại chỗ” (tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt - trả kết quả) và “5 không” - (không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ).

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã.

Tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã niêm yết công khai quy trình giải quyết TTHC tại trụ sở và trên trang thông tin điện tử; thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo đúng nguyên tắc “4 tại chỗ” (tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt - trả kết quả; thiết lập mã QR-Code giúp người dân dễ dàng tra cứu TTHC, đánh giá mức độ hài lòng khi đến giải quyết TTHC; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Qua khảo sát, lấy ý kiến, đa số người dân bày tỏ thái độ hài lòng.

Sau 30 phút đã hoàn thành làm thủ tục giấy khai sinh, anh Hoàng Trung Thông, tiểu khu 14, thị trấn Mộc Châu, chia sẻ: Đúng như tên gọi “Chính quyền thân thiện”, tôi được cán bộ, công chức nhiệt tình, trách nhiệm hướng dẫn làm thủ tục nhanh chóng. Tôi rất hài lòng với mô hình!

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên trả lời các kiến nghị của cử tri xã Hua Nhàn.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên trả lời các kiến nghị của cử tri xã Hua Nhàn.

Xây dựng chính quyền thân thiện, lắng nghe ý kiến từ nhân dân, giúp người dân tiếp cận thông tin, chính sách, các huyện còn tổ chức tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Người dân được phát biểu những vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng, như: Hỗ trợ tiêu thụ nông sản; đầu tư xây dựng nhà văn hóa, điểm trường, đường vào khu sản xuất; sửa chữa, nâng cấp đường liên bản; xóa nhà tạm; chế độ, chính sách với người có công...

Đồng chí Đỗ Văn Xiêm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Yên, cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạothực hiện nghiêm việc tiếp dân và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân; tăng cường đối thoại, không né tránh việc khó, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Từ đầu năm đến nay, tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với 80 đoàn viên thanh niên; cấp cơ sở tổ chức 6 hội nghị đối thoại với 348 lượt người dân; tiếp 24 lượt công dân; tiếp nhận 37 đơn, đã giải quyết 13 đơn, đang giải quyết 15 đơn, lưu đơn 2 đơn và chuyển 7 đơn... Qua đó, những khó khăn, vướng, nguyện vọng của người dân được cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết, tạo sự đồng thuận cao, triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đến các xã của huyện Mai Sơn, đi trên các tuyến đường rộng 7 - 8m phong quang, sạch đẹp, ít ai có thể hình dung, vài năm trước, những tuyến đường này chỉ rộng hơn 3m, nhiều đoạn chỉ đủ cho ô tô đi lại một chiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, vận chuyển hàng hóa của người dân. Thực hiện việc vận động nhân dân mở rộng nền đường gắn với xây dựng nông thôn mới, từ năm 2023 đến nay, toàn huyện có 3.550 hộ ở 203 thôn, bản đã hiến gần 503.000 m2 đất mở mới, mở rộng các tuyến đường, với tổng chiều dài gần 269,8 km. Ngoài hiến đất, đóng góp ngày công, các hộ dân còn tự bỏ kinh phí phá dỡ công trình, chặt bỏ cây cối, hoa màu trên đất, với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.

Nông dân xã Mường Bon, huyện Mai Sơn ra quân mở rộng đường nội đồng.

Nông dân xã Mường Bon, huyện Mai Sơn ra quân mở rộng đường nội đồng.

Bà Hà Thị Nhung, Chủ tịch UBND xã Mường Bon, chia sẻ: Xã thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, để nhân dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được hưởng thụ, tạo sự đồng thuận cao, nhiệt tình tham gia. Từ năm 2023 đến nay, xã mở rộng 6 tuyến đường nội đồng, nội bản, liên bản, tổng chiều dài hơn 4,5km, trong đó, 149 hộ dân tự nguyện hiến trên 5.400m2 đất, đóng góp trên 457 ngày công lao động.

Sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, đã đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống, tạo không khí dân chủ, đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết trong nhân dân. Nhân dân phát huy vai trò là chủ, làm chủ ngày càng thể hiện rõ. Ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của các cấp chính quyền tốt hơn, phong cách “Trọng dân, học dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân” được chú trọng. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của bộ máy chính quyền, thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ công dân.

(còn nữa)

Nhóm PV

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phong-su/dua-luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-vao-cuoc-song-ky-2-trien-khai-linh-hoat-cac-giai-phap-mo-hinh-WzuzhFlSR.html