Đưa Mang Yang trở thành địa phương hàng đầu về nguồn sữa
Các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp đều khẳng định Mang Yang có nhiều điều kiện trở thành nơi sản xuất sữa lớn và chất lượng tốt nhất cả nước.
Tại tọa đàm "Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 16/4, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, theo công bố Quy hoạch Gia Lai đến năm 2050, Gia Lai được quy hoạch thành "cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe", là vùng đất xanh, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số, hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh, nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu.
Về khí hậu thổ nhưỡng, huyện Mang Yang hội tụ mọi điều kiện cần và đủ để phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa. Nằm ở độ cao khoảng 800m so với mặt nước biển, Mang Yang có khí hậu mát mẻ, hệ thống sông suối tương đối dày, phân bổ đều trên khắp địa bàn.
Trong khi đó, ông Trần Bảo Minh, đại diện một doanh nghiệp sữa cũng cho rằng, không khí sạch và nước sạch giúp cho nguồn sữa tươi sản xuất ở Mang Yang có hàm lượng đạm và hàm lượng chất béo cao và rất sạch.
Ủng hộ việc phát triển chăn nuôi bò sữa ở Mang Yang, TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đề nghị tỉnh Gia Lai rà soát quy hoạch cho phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh Gia Lai cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào chăn nuôi, chế biến sữa và gắn hộ nông dân vào chuỗi.
Theo đó, nông dân có thể trực tiếp tham gia nuôi bò sữa nếu họ đủ điều kiện làm những trang trại vệ tinh. Nếu không có điều kiện nuôi bò sữa, nông dân có thể trồng cỏ, trồng các cây làm thức ăn cho bò sữa để cung cấp cho các trang trại lớn của các công ty.
“Khi nông dân được thu hút vào các chuỗi bò sữa trên địa bàn, họ sẽ có ý thức tham gia bảo vệ đàn bò sữa ở các trang trại tránh khỏi các nguy cơ dịch bệnh. Việc thu hút nông dân tham gia vào các hệ thống chăn nuôi bò sữa cũng giúp làm giảm áp lực đầu tư cho các doanh nghiệp”, ông Dương chia sẻ.