Đưa môn giáo dục về trật tự, an toàn giao thông vào trường học

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Trong đó, nhiều nội dung đáng chú ý như: Cấm tuyệt đối nồng độ cồn; Quy định điểm, trừ điểm của Giấy phép lái xe… đặc biệt là quy định việc giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ trong các cơ sở giáo dục.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, phó Trưởng phòng Hướng dẫn Tuyên truyền, Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, thời gian qua nhiều em học sinh điều khiển xe gắn máy, xe mô tô đến trường nhưng chưa đủ điều kiện, chưa hiểu hết các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, ý thức tham gia giao thông chưa cao, kỹ năng điều khiển phương tiện không có, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ rất lớn gây mất an toàn giao thông.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn Tuyên truyền, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn Tuyên truyền, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an.

"Tình hình vi phạm liên quan đến các em học sinh diễn ra phức tạp. 9 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 17. 836 vụ tai nạn giao thông và làm chết 8114 người, bị thương 13.385 người. So với cùng kỳ của năm 2023 thì số vụ thì lại tăng 1506 vụ, giảm 829 người chết (9,27%) và tăng 2413 người bị thương (21,91%)".

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ quy định việc giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ trong các cơ sở giáo dục. Thông qua các buổi học, các em học sinh được hướng dẫn lái xe gắn máy an toàn nhằm nâng cao kiến thức và kĩ năng tham gia giao thông; hình thành ý thức chấp hành pháp luật giao thông ngay từ khi còn nhỏ, còn ngồi trên ghế nhà trường.

"Một điều rất mới của Luật là đưa nội dung giáo dục phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đưa vào trong trường học. Nội dung này hiện nay đã đưa vào Luật và yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội liên quan đến các trường giáo dục nghề nghiệp chủ trì nội dung này. Lực lượng cảnh sát giao thông, Bộ Công an làm nòng cốt có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở giáo dục trong việc đào tạo kỹ năng lái xe an toàn cho các con. Đối với học sinh trung học phổ thông sẽ tách môn tìm hiểu pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thành môn riêng. Chúng tôi muốn khi các con học cấp ba được đào tạo kiến thức về trật tự, an toàn giao thông, khi tốt nghiệp lớp 12 thì các con đã tìm hiểu đầy đủ những nội dung cơ bản. Chúng tôi muốn phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để cung cấp chứng chỉ khi các con ra trường thì các con chỉ phải học thực hàn; khi được cấp giấy phép lái xe thì không cần học thêm lý thuyết".

Việc đưa môn học giáo dục về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang "bùng nổ" phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy điện, xe đạp điện, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường; không chỉ giúp làm giảm thiểu các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa giao thông văn minh - hiện đại - an toàn.

Ngô Thanh Huyền

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/dua-mon-giao-duc-ve-trat-tu-an-toan-giao-thong-vao-truong-hoc-102241206154346921.htm