Đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển ngành y: Đột phá hay đột biến?
Hiện nay, đang xảy ra tranh luận việc có nên đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển ngành y trong bối cảnh y đức là một vấn đề nhức nhối.
Năm nay, có 4 trường đại học ngoài công lập vừa thông báo xét tuyển ngành y khoa bằng môn Ngữ văn.
Cụ thể, Trường Đại học Văn Lang xét tuyển ngành y bằng 3 tổ hợp truyền thống A00, B00 và D08 và 1 tổ hợp mới D12 (Ngữ văn, Hóa học, Tiếng Anh).
Trong khi đó, Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường Đại học Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp B03 (Toán học, Ngữ văn, Sinh học) trong phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển ngành này.
Trường Đại học Duy Tân cũng xét tuyển ngành y khoa bằng 4 tổ hợp: A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn), B00, D90 và D08.
Việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển ngành y đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận.
Trong bối cảnh vấn đề y đức đang trở nên nhức nhối khi nhiều người hoạt động trong ngành y bị bắt, bị khởi tố do sai phạm liên quan đến đấu thầu, mua sắm thì việc ngành y lấy điểm môn Ngữ Văn như tiêu chí phụ để xét tuyển được nhiều người xem là một đột phá.
Cụ thể, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) thì việc các trường đại học đưa môn Văn vào xét tuyển ngành y là đổi mới, đột phá.
Thế nhưng, bất kỳ sự đột phá nào cũng tiềm ẩn rủi ro, cần quản lý, giám sát chặt chẽ, tránh "trăm hoa đua nở", xuất hiện nhiều tổ hợp lạ vào ngành y.
"Thời gian quan, xã hội nổi cộm lên vấn đề y đức và cách ứng xử của các y bác sĩ với bệnh nhân. Đó là nguyên do khiến các trường quyết định đưa môn Văn vào xét tuyển", bà Nga nói.
Trong khi đó, lý giải về việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển, một đại diện Trường Đại học Duy Tân cho rằng các bệnh viện mong tuyển được bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn biết cảm thông, chia sẻ với người bệnh.
Theo đại diện này, trường xác định 2 môn quan trọng với ngành y là Toán học và Sinh học nhưng thay vì chỉ lấy điểm môn Sinh học, trường dùng bài thi khoa học tự nhiên gồm 3 môn Sinh, Hóa học và Vật lý, sau đó thêm môn Ngữ văn vào tổ hợp. Người học giỏi văn thường dễ đồng cảm, sẻ chia và giàu lòng trắc ẩn.
Ngược lại với những ý kiến trên, có chuyên gia cũng lo lắng, y khoa là ngành khoa học đòi hỏi tính chính xác cao nên điều kiện đầu tiên là phải có kiến thức khoa học tự nhiên tốt.
Trên thực tế, tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sẵn sàng chia sẻ là kết quả của quá trình giáo dục lâu dài từ nhà trường, đó là kỹ năng mềm mà ngành nghề nào cũng phải trau dồi, không riêng ngành y, cũng không phải người giỏi văn thì thương người hơn.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự lo ngại cách chọn môn Ngữ văn chỉ để phục vụ việc tuyển sinh của các trường bởi nếu chỉ tuyển sinh ngành y bằng các khối truyền thống, trường ngoài công lập khó cạnh tranh được với các trường đã có truyền thống đào tạo.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đức Bảo, trường Đại học Y Dược Huế (Đại học Huế) lại có quan điểm: "Trong tuyển sinh ngành y, môn Văn chỉ là phụ, điều cần quan tâm là tổ hợp được các trường đưa ra xét tuyển có môn Sinh học hay không - môn học này tiên quyết, không thể thiếu. Nếu tuyển sinh ngành y mà tổ hợp xét không có môn Sinh mới cần tuýt còi ngay”.
Qua các ý kiến trên có thể thấy, môn Ngữ Văn cũng rất cần cho đầu vào ngành y. Tuy nhiên, đó phải là tiêu chí phụ. Còn nếu là tiêu chí chính để tuyển sinh thì mọi lo lắng đều có thể xảy ra và trong tương lai chữa bệnh bằng “niềm tin” có khi thành hiện thực.