Đưa nền tảng mạng xuyên biên giới vào khuôn khổ pháp lý
Sự phổ biến của mạng xã hội đã tạo ra một nền tảng lý tưởng cho việc quảng cáo, phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực trạng quảng cáo tràn lan, sai sự thật, có nội dung độc hại đã trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng trên mạng và cần được chấn chỉnh nghiêm.
“Loạn” quảng cáo trên mạng xã hội
Theo thông tin tại Hội thảo “ASEAN chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số” vừa được tổ chức ngày 21/9 thì 50% giá trị quảng cáo “chảy” vào các nền tảng mạng xuyên biên giới. Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, Việt Nam hiện có hơn 800 cơ quan thông tấn, báo chí với gần 1 triệu bài báo được đăng lên hàng ngày. Con số không nhỏ này, cùng với lượng dữ liệu khổng lồ từ cơ quan thông tấn, báo chí và các bài báo đã tạo ra một kho thông tin đa dạng và phong phú.
Cũng theo ông Phúc, doanh thu trong lĩnh vực truyền thông đạt gần 4 tỉ USD thể hiện sự tăng trưởng, tiềm năng của ngành truyền thông trong tạo ra các giá trị kinh tế. Tuy nhiên, việc có đến 50% giá trị quảng cáo đang “chảy” vào các nền tảng xuyên biên giới cộng với các dữ liệu đang được các nền tảng này thu thập khiến cơ quan thông tấn, truyền thông trong nước đang bị mất một nguồn thu lớn.
Trước đó, ngày 31/8/2023, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH-TTĐT), Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 138/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (GroupM). Công ty WPP đã có hành vi đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Bayer Việt Nam (nhãn hàng Redoxon) vào kênh có nội dung vi phạm pháp luật trên mạng xã hội YouTube và không tuân thủ quy định báo cáo về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam năm 2022 cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Tổng mức phạt đối với 2 hành vi là 25 triệu đồng.
Đây không phải là trường hợp duy nhất vi phạm về quy định quảng cáo trên mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng mạng xuyên biên giới trong thời gian gần đây.
Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội cũng đẩy mạnh thêm nhiều tính năng khiến các hình ảnh, video của họ ngày càng dễ dàng đến với người dùng, nhưng cũng khiến họ bị động tiếp cận nhiều thông tin quảng cáo độc hại, tạo ra những nhu cầu xấu. Người dùng rất dễ dàng tiếp cận với các nội dung quảng cáo phản cảm, sai sự thật, các nội dung mang tính lừa đảo, quảng cáo các hình thức cờ bạc hoặc chất cấm... với hình ảnh, video thu hút, sinh động.
Khung khổ pháp lý là giải pháp bắt buộc và rất quan trọng
Để chấn chỉnh tình trạng “loạn” quảng cáo trên nền tảng ứng dụng xuyên biên giới tại Việt Nam, thời gian qua, Bộ TT&TT đã có nhiều biện pháp đồng bộ như rà quét, phát hiện và xử lý các quảng cáo vi phạm pháp luật về quảng cáo; Yêu cầu nhà phát hành quảng cáo trong nước (báo điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp) và đại lý quảng cáo trong nước rà soát, kiểm soát chặt hoạt động quảng cáo xuyên biên giới; Triển khai các biện pháp để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo, dừng hợp tác với các nền tảng quảng cáo có nhiều vi phạm; Không hợp tác quảng cáo với các website/nền tảng quảng cáo vi phạm pháp luật đã được công bố trên Cổng Thông tin của Bộ TT&TT; Tiến hành thanh, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động quảng cáo của các tổ chức, doanh nghiệp... Bộ TT&TT cũng đã phối hợp Bộ, ban, ngành, nhất là với Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh các nội dung quảng cáo vi phạm, quảng cáo “thổi phồng” sự thật.
Trong năm 2022, cơ quan quản lý đã thực hiện kiểm tra với 15 tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo và đã xử lý vi phạm hành chính với 15 tổ chức, cá nhân này với số tiền 210 triệu đồng, đồng thời, kiểm tra 6 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam. 73 trang thông tin điện tử vi phạm quy định pháp luật tại Việt Nam cũng đã được công bố rộng rãi. Trong năm 2023, Bộ TT&TT đã xây dựng danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (“White List”) và khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng xem xét lựa chọn quảng cáo trong “White List” nhằm bảo đảm an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh. Cạnh “White List”, Bộ cũng tiến tới xây dựng Danh sách nội dung “xấu độc” trên mạng của đơn vị mình (“Black List”) để loại trừ quảng cáo.
Tháng 3/2023, Bộ TT&TT đã có công văn gửi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam; Các nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động quảng cáo, đề nghị các đơn vị này tăng cường rà soát, sàng lọc vị trí cài đặt quảng cáo trên mạng, không để quảng cáo bị gắn vào những trang, kênh, tài khoản, nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 70/2021/NĐ-CP; Chấm dứt tình trạng triển khai quảng cáo tràn lan không kiểm soát, dẫn đến việc gián tiếp tiếp tay cho các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật được sản xuất và phát tán trên không gian mạng.
Và để trong sạch hóa môi trường quảng cáo trên mạng, cần đến sự hoàn thiện về hành lang pháp lý hơn nữa, cũng như sự quyết liệt, mạnh mẽ tra soát, xử lý sai phạm của các cơ quan quản lý, đồng thời còn cần có sự hợp tác giữa các nền tảng mạng xã hội, người dùng và các cơ quan hữu quan.
Tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ TT&TT, Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT Lê Quang Tự Do nhấn mạnh, công tác đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để làm trong sạch, lành mạnh không gian mạng là nhiệm vụ khó khăn, vì không có tiền lệ, không có quy định sẵn để thi hành. Bởi vậy, bên cạnh các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, thì việc xây dựng khung khổ pháp lý là giải pháp bắt buộc và rất quan trọng. Việc yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đặt văn phòng tại Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam đã được quy định trong Luật An ninh mạng và nhiều văn bản pháp luật khác.