Đưa ngành 'công nghiệp không khói' vươn xa
Năm 2023 Hà Giang đón trên 3 triệu lượt du khách, tổng thu từ du lịch (DL) đạt trên 7.000 tỷ đồng, đóng góp trên 10% vào GDP của tỉnh, riêng quý I năm 2024, tỉnh ta đón trên 848 nghìn lượt du khách, doanh thu đạt trên 2.100 tỷ đồng.
Giữ gìn di sản văn hóa
Hiện tỉnh ta có 131 di tích, danh thắng, trong đó 61 di tích, danh thắng được xếp hạng các cấp; 31 di tích cấp quốc gia; 30 di tích cấp tỉnh; 70 di tích, danh thắng chưa được xếp hạng; 446 di sản văn hóa (VH) phi vật thể với 7 loại hình của 14 dân tộc cư trú lâu năm và sinh sống tập trung thành làng, bản; 32 di sản VH phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản VH phi vật thể cấp quốc gia; 44 di sản VH phi vật thể được đầu tư phục dựng và đã được lưu giữ tại “Ngân hàng VH nghệ thuật Quốc gia” và Ngân hàng dữ liệu di sản của tỉnh; các di sản VH phi vật thể được bảo tồn, phục dựng, đã trở thành sản phẩm DL hấp dẫn du khách đến với Hà Giang. Cùng các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống, ẩm thực dân tộc được bảo tồn đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang trong sắc màu dân tộc độc đáo và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Để bảo tồn các di sản VH gắn với phát triển DL, tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản VH gắn với phát triển kinh tế theo hướng bền vững; tích cực phổ biến, tôn vinh các giá trị di sản VH tạo sự lan tỏa, nâng cao giá trị di sản, ý thức bảo vệ gìn giữ di sản trong cộng đồng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành VH; ưu tiên sử dụng lao động là người địa phương làm việc tại các di tích, các khu, điểm DL; thường xuyên kiểm tra, thanh tra công tác quản lý di sản, xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong lĩnh vực di sản VH.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Tỉnh ta có 106 điểm DL đang hoạt động theo 4 loại hình chính, gồm: 25 điểm DL VH, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; 36 điểm DL cộng đồng, làng nghề; 17 điểm DL tâm linh; 8 điểm DL sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trong đó tập trung vào 5 loại hình sản phẩm DL, gồm: Sản phẩm DL cộng đồng tỉnh ta tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư cho 39 làng VH tiêu biểu theo Chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 với 16 làng đã được công nhận hoàn thành các tiêu chí theo từng giai đoạn với 5 làng được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao; sản phẩm DL VH có 61 di tích, danh thắng được xếp hạng với 31 di tích, danh thắng cấp quốc gia; 30 di tích, danh thắng cấp tỉnh; 22 di sản VH phi vật thể được đưa vào danh mục di sản VH phi vật thể quốc gia; sản phẩm DL sinh thái, nghỉ dưỡng tỉnh tổ chức khảo sát xây dựng các sản phẩm DL mới trên cơ sở tận dụng lợi thế về cảnh quan giá trị đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên để khai thác phục vụ khách DL và người dân, như: Tuyến đi bộ đường rừng, các cánh đồng hoa Tam giác mạch, thảo nguyên Suôi Thầu, khu DL sinh thái H'Mông, Khu DL P'a Piu, trang trại cam, chè cổ thụ; sản phẩm DL thể thao, mạo hiểm, tổ chức các hoạt động thể thao mạo hiểm thu hút khách DL như, Giải đua mô tô, ô tô địa hình tại Yên Minh và Quản Bạ, đi bộ chinh phục vách đá trắng, Giải marathon quốc tế chạy trên con đường Hạnh Phúc; chèo thuyền kayak và đi thuyền trên sông Nho Quế thám hiểm hẻm vực Tu Sản; bay dù lượn trên danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, thảo nguyên Suối Thầu; DL thương mại, biên giới triển khai xây dựng mô hình chợ 4.0 trên địa bàn tỉnh, hệ thống chợ đêm đã được hình thành và đi vào hoạt động tại các huyện, thành phố.
Đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững
Từ công tác quản lý và hoạt động xúc tiến quảng bá DL, Hà Giang được công nhận điểm đến DL mới nổi hàng đầu châu Á do Giải thưởng DL thế giới World Travel Awards lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương bình chọn; Tờ New York Times (Mỹ) xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) vinh dự được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực DL cộng đồng; 3 món ăn đặc trưng của Hà Giang được Hiệp hội VH ẩm thực Việt Nam chứng nhận là những món ăn tiêu biểu của Việt Nam; P’apiu Resort vinh dự nhận 2 danh hiệu là Khu nghỉ dưỡng lãng mạn hàng đầu châu Á và Khu nghỉ dưỡng có kiến trúc độc đáo hàng đầu châu Á; Google Year In Search công bố Hà Giang đứng top 4/10 điểm DL nổi bật nhất; Khách sạn Yên Biên Luxury vinh dự được trao Giải thưởng Địa điểm tổ chức MICE ASEAN 2024 – Hạng mục Địa điểm tổ chức sự kiện; Hệ thống Booking.com công bố Hà Giang là một trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2024.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để phát triển DL bền vững tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn; tỉnh ban hành các Nghị quyết số 11, 15, 19 về bảo tồn, phát huy giá trị di sản VH và phát triển DL trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch tổng thể phát triển DL tỉnh Hà Giang năm 2020, định hướng đến năm 2030... Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến các cấp, ngành, cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngành DL đối với sự phát triển KT - XH; tập trung đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực DL; tăng cường liên kết, đổi mới hình thức nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá DL; đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển DL; tập trung các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản VH, bố trí nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di sản VH truyền thống; nghiên cứu phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh hoạt VH, văn nghệ; ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động tuyên truyền, xúc tiến quảng bá giới thiệu VH, DL và các sản phẩm DL đặc trưng của tỉnh; tham gia các gian hàng giới thiệu về VH và sản phẩm DL của tỉnh tại các lễ hội, sự kiện trong và ngoài nước.