Đưa nghệ thuật đồ họa mở đến gần với công chúng
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời gian gần đây đã trở thành một không gian sáng tạo mới, thu hút đông đảo những người yêu nghệ thuật và đam mê sáng tạo. Trong không gian đậm chất truyền thống, các họa sỹ đã đưa nghệ thuật đồ họa tới gần hơn với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, và đặc biệt hơn là nghệ thuật đồ họa mở.
Trong không gian nhà Thái học, hình ảnh tiên nữ, cánh diều và mái đình, cá chép hóa rồng, chiếc quạt của bà, non cao đường dài, vinh quy bái tổ,… được khai thác theo các góc sáng tạo cá nhân, nhưng cùng có chung cách nhìn về những giá trị truyền thống, về đạo học, về Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong mỹ thuật.
Bên cạnh đó là những đối thoại, là tình yêu với di sản của các tác giả qua các hình tượng nghệ thuật. Không chỉ có vậy, bên trong mỗi tác phẩm, người xem còn được khám phá những nét riêng của mỗi kỹ thuật, phương pháp, chất liệu thể hiện tranh in. Vẻ đẹp của tranh khắc gỗ, khắc cao su, hay in nổi, in lõm được lạ hóa khi ở trong trạng thái và không gian ba chiều, tương tác với chuyển động gió, với kiến trúc và ánh sáng, với người xem.
Trên thế giới, trong 40 năm trở lại đây, nghệ thuật đồ họa đã được mở rộng biên giới, từ những tác phẩm hai chiều thành ba chiều, đa chiều, tranh nhiều lớp, tranh sắp đặt đồ họa. Từ năm 2009, các giảng viên khoa đồ họa, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam bắt đầu có những thực hành, sau đó đến năm 2013 đã củng cố được kiến thức cũng như kinh nghiệm thực hành của các giảng viên, đưa vào giảng dạy bộ môn Nghệ thuật đồ họa mở cho sinh viên.
Thông thường, các triển lãm sắp đặt thường diễn ra ở ngoài trời hoặc những không gian hiện đại. Việc tổ chức triển lãm tại một địa chỉ văn hóa như Văn Miếu Quốc Tử Giám như một cách đối thoại với quá khứ, thử nghiệm một phong cách sáng tác mới, đúng với tinh thần mà 8 nghệ sĩ tham gia triển lãm “Đồng vọng” hướng tới.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dua-nghe-thuat-do-hoa-mo-den-gan-voi-cong-chung-201691.htm