Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
ng bộ Khối cơ sở Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy Đảng luôn quan tâm đến việc triển khai học tập, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng cho cán bộ, đảng viên và tuyên truyền ra quần chúng lao động. Kết quả học tập trong cán bộ, đảng viên thường đạt tỷ lệ trên 90%, đặc biệt trong đợt học tập Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7, 8… toàn Đảng bộ Khối số cán bộ, đảng viên tham gia đạt tỷ lệ 95%.
Trong quá trình triển khai, tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối luôn tuân thủ quy trình và các bước triển khai theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Thành ủy TP.HCM như: Chuẩn bị báo cáo viên (có kinh nghiệm, khả năng trình bày lôi cuốn, có sức thuyết phục cao); thành lập Ban tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt; tổ chức thông báo nhanh kết quả các hội nghị của Trung ương, xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt; cùng với đó xây dựng chương trình hành động… Bước tiếp theo là tổ chức hội nghị học tập, quán triệt cho cán bộ chủ chốt, đối với những cấp ủy Đảng ở xa trung tâm thành phố, đảng viên làm việc tại các công trình xa, công trình trọng điểm đơn vị chủ động, Đảng ủy Khối phân công báo cáo viên hỗ trợ giới thiệu các nội dung.
Quá trình tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết thời gian qua có những ưu điểm là: việc tổ chức học tập ngày càng nghiêm túc, nâng được chất lượng, báo cáo viên có kinh nghiệm; tinh thần ý thức học tập của cán bộ, đảng viên nghiêm túc, tự giác hơn. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế, khuyết điểm: Việc triển khai học tập Nghị quyết, Chỉ thị theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương còn chậm, từ đó kết quả còn hạn chế so với yêu cầu. Kết quả nhận thức của cán bộ, đảng viên thiếu sâu sắc, chưa đồng đều.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cần thực hiện đồng bộ các công việc sau:
Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng và cán bộ, đảng viên về trách nhiệm trong việc tổ chức và học tập, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, coi đây là một giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức là điều kiện để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, lý luận phản biện, xây dựng bản lĩnh cách mạng, chống biểu hiện chủ quan, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Đồng thời, góp phần đập tan các luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực phản động trong nước và quốc tế về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…
Phải chuẩn bị và tổ chức tốt quy trình học tập (theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương), trong đó lưu ý chất lượng hội nghị triển khai trong cán bộ chủ chốt. Trong hội nghị này phải làm rõ sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, những vấn đề cơ bản, chủ yếu và mới; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phù hợp, cụ thể, thiết thực tại Đảng bộ Khối, đơn vị.
Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, nhất là đồng chí bí thư cấp ủy có đủ trình độ, năng lực khái quát cao, trực tiếp báo cáo tại đơn vị mình, có liên hệ, lồng ghép các vấn đề có liên quan đến tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị.
Cấp ủy Đảng phải chủ động xây dựng kế hoạch học tập các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Nếu tại đơn vị chưa bố trí được báo cáo viên thì có thể mời báo cáo viên cấp trên trực tiếp, ngay sau hội nghị phải xây dựng được chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết gắn với trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong thực hiện Nghị quyết, trong kiểm điểm cuối năm cần nêu rõ từng trường hợp đảng viên học tập nghiêm túc hoặc không nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng.
Kết quả của việc nâng cao chất lượng học tập, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng phụ thuộc vào sự quan tâm của cấp ủy ở cơ sở, nhất là đồng chí bí thư cấp ủy và năng lực truyền đạt của đội ngũ báo cáo viên, bởi vì chỉ có nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng thì mới có thể nâng cao nhận thức, nắm vững về đường lối, chủ trương của Đảng cho cán bộ, đảng viên, qua đó xây dựng lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng lao động vào sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng tại đơn vị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Xuân Ngọc
Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Cơ sở Bộ Xây dựng
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song-286822.html