Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 1/2/2021 tại Hà Nội. Các văn kiện được thông qua tại Đại hội XIII được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn; kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Báo PLVN trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng dưới góc nhìn đa chiều, dưới sự phân tích, đánh giá của các chuyên gia.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tầm nhìn chiến lược của Đảng về phát triển đất nước

Tầm nhìn là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu về năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo, của một đảng chính trị, nhất là đảng cầm quyền. Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa định hướng và xác định tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.

Điểm mới có ý nghĩa quan trọng

Đại hội XIII của Đảng có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế; xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công tác xây dựng Đảng.

Trên cơ sở đó, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025, như Đại hội các nhiệm kỳ khác.

Đồng thời, Đại hội XIII còn đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 do Đại hội XI của Đảng (năm 2011) thông qua và quyết định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, như một số Đại hội Đảng có nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước định kỳ 10 năm. Nhưng ý nghĩa của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần này là: năm 2030 là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng.

Đặc biệt, Đại hội XIII còn đề ra tầm nhìn của Đảng về mục tiêu phát triển đất nước xa hơn, đến năm 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là điểm mới, có ý nghĩa rất quan trọng.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Tầm nhìn thể hiện lý tưởng phấn đấu, thể hiện mục tiêu cần đạt được, là cơ sở để xác định nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; để thống nhất tư tưởng, đoàn kết trong Đảng, tập hợp, đoàn kết, cổ vũ, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân, các lực lượng xã hội phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh để thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó.

Yêu cầu đặt ra với tầm nhìn là sự đúng đắn, chính xác của định hướng, mục tiêu đề ra, phù hợp với lý tưởng của Đảng, tính chất, xu thế của thời đại, yêu cầu phát triển của đất nước trong từng giai đoạn, có cơ sở, căn cứ khoa học, phù hợp với thực tiễn, điều kiện của đất nước, khả thi, thể hiện khát vọng, ý chí quyết tâm phấn đấu cao nhưng không chủ quan, duy ý chí.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991 (Cương lĩnh năm 1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đề ra tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI và đến khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước là sự kế thừa, cụ thể hóa tầm nhìn, mục tiêu do Cương lĩnh đề ra.

Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự phát triển của đất nước, là cơ sở bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa trong chủ trương, đường lối phát triển đất nước của Đảng qua các kỳ Đại hội Đảng đến giữa thế kỷ XXI, bảo đảm sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong đường lối phát triển đất nước.

Đây cũng là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp Cách mạng của nhân dân ta, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của đất nước ta; trong khi đó, cuộc chiến chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cần tiếp tục đẩy mạnh; thách thức trên con đường phát triển của đất nước còn nhiều, không thể xem thường, chủ quan, dao động, mất cảnh giác.

“Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp. Thành công của Đại hội đã góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, ý chí và khát vọng phát triển đất nước, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị “rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.

Quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi…., các văn kiện đã thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng Dân”, hòa quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Quang Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/dua-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang-vao-cuoc-song-582059.html