Đưa Nghị quyết số 58-NQ/TW đi vào cuộc sống: Khai thác những lợi thế về nguồn nhân lực
Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2030 Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hóa và lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Để đáp ứng được yêu cầu phát triển, vấn đề cấp thiết đang đặt ra là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn.
Công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam trong ca sản xuất. Ảnh: Thanh Huê
Xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá trong quá trình phát triển của tỉnh, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội, tăng lợi thế cạnh tranh và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế và định hướng phát triển kinh tế tri thức. Trong thời gian qua, Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài về làm việc. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Thanh Hóa cũng đang phải đối mặt với những khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là: lực lượng lao động lành nghề, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, các chuyên gia đầu ngành còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn, như lọc hóa dầu, nhiệt điện, công nghệ thông tin, chế biến, cơ khí chế tạo, tự động hóa... Lao động là người trong tỉnh làm việc tại các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp, thu hút đội ngũ chuyên gia đầu ngành về tỉnh chưa nhiều. Theo thống kê, trong thời kỳ 2010-2019, tốc độ tăng lực lượng lao động bình quân một năm của Thanh Hóa thấp hơn nhiều so với cả nước (đạt 1,11%), cho thấy sự phát triển kinh tế chưa đủ để thu hút lao động ở lại quê hương, đặt ra thách thức với địa phương khi phát triển kinh tế trên cơ sở sử dụng nhiều lao động địa phương, đặc biệt là lao động nữ của các ngành du lịch, chế biến và các khu công nghiệp đầu tàu của Thanh Hóa...
Tại Hội thảo xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 (được tổ chức tháng 7-2020), PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, dự báo thời kỳ 2020-2030, tốc độ tăng việc làm bình quân một năm của tỉnh sẽ đạt 0,5%, trong đó, nhóm ngành nông – lâm nghiệp (NLN) giảm mạnh, nhóm ngành công nghiệp và xây dựng (CNXD) và nhóm ngành dịch vụ tăng. Về cơ cấu việc làm theo 3 nhóm ngành lớn, tỷ lệ việc làm NLN giảm mạnh, từ 36,95% năm 2020 xuống còn khoảng 28% năm 2025 và dưới 19% năm 2030. Tỷ lệ việc làm CNXD tăng từ 35,69% (2020) lên 42% (2025) và 44% (2030). Tỷ lệ việc làm dịch vụ tăng từ 27,36% (2020) lên 30% (2025) và gần 38% (2030).
Còn PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng dự báo đến năm 2030, phát triển, thu hút nhân lực chất lượng cao, chiếm khoảng 15 - 20% lao động được đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bao gồm đội ngũ công chức, đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ, các nhóm chuyên gia đầu ngành, đội ngũ doanh nhân, chuyên gia quản trị doanh nghiệp giỏi; đặc biệt xây dựng được đội ngũ nhân lực kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp lọc hóa dầu và chế biến sản phẩm từ hóa dầu, công nghệ thông tin (phần mềm) có trình độ chuyên môn - kỹ thuật cao, có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và đề xuất những giải pháp khoa học, công nghệ, giải quyết về cơ bản những vấn đề phát triển của tỉnh.
Theo đó, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ tới, thì Thanh Hóa cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp đó là: cần dự báo, xác định quy mô, ngành, nghề đào tạo cho từng cơ sở đào tạo, bảo đảm phù hợp với nhu cầu nhân lực chất lượng cao của tỉnh trong thời gian tới. Đầu tư đào tạo giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển một số khoa, ngành có lợi thế cạnh tranh như du lịch. Tăng cường liên kết đào tạo, mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với các trường đại học uy tín trong nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, nhất là các ngành kỹ thuật - công nghệ, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin phục vụ mục tiêu chuyển đổi số trong thời gian tới. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành (chính sách về tiền lương, tạo môi trường làm việc...). Chú trọng quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp. Huy động và đa dạng hóa các nguồn đầu tư, nhất là đầu tư từ khu vực tư nhân sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Làm tốt công tác truyền thông, phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương, để tạo nguồn nhân lực có chất lượng, Thanh Hóa cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động. Thực hiện quy hoạch lại mạng lưới đào tạo, nâng cao năng lực đào tạo nghề. Đa dạng hóa nguồn lực đào tạo. Tăng cường khớp nối giữa hệ thống giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; gắn kết nhu cầu học của người học, doanh nghiệp và xã hội. Hình thành hội đồng nhân lực của tỉnh. Tăng cường vai trò đại diện của doanh nghiệp khi xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và triển khai hoạt động giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp ở các cấp. Cần chuyển nhanh công tác đào tạo từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động và gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; tăng nhanh tỷ lệ người học được đào tạo nghề trong các doanh nghiệp và tại nơi làm việc. Tăng nhanh đào tạo số lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật, đồng thời phải đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới về kiến thức, kỹ năng và hành vi, thái độ; tập trung đào tạo đủ nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh: nông nghiệp chất lượng cao; các khu công nghệ cao; các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chế biến nông lâm sản..., cung cấp nhân lực tại chỗ cho các ngành mới tiềm năng (tài chính ngân hàng, tín dụng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...). Có các giải pháp để thu hút lao động kỹ thuật của tỉnh không di chuyển sang các tỉnh khác và lao động kỹ thuật cao từ các tỉnh khác và Việt kiều đến Thanh Hóa làm việc, đặc biệt trong các ngành công nghệ tiên tiến, sáng tạo, kỹ thuật cao. Xúc tiến phát triển nguồn nhân lực của đội ngũ công nhân trong khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài, trong các ngành mũi nhọn, yêu cầu công nghệ cao. Đồng thời, Thanh Hóa cần nhanh chóng xây dựng một đề án tổng thể về phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Đề án phải tập trung vào giải quyết đồng bộ các vấn đề mới đặt ra đối với nguồn nhân lực tỉnh và hệ thống chính sách có liên quan.