Đưa 'ngôn ngữ' bảo tàng đến gần công chúng
Bảo tàng có một loại 'ngôn ngữ biểu hiện' đặc biệt, được thể hiện thông qua giá trị của hệ thống hiện vật được trưng bày và cách thức trưng bày, giới thiệu các hiện vật quý ấy đến công chúng. Thậm chí, thứ 'ngôn ngữ' này có thể được nâng thành nghệ thuật, nếu việc trưng bày có sự tích hợp đầy đủ các điều kiện, hay các yếu tố truyền thống và hiện đại.
Một số hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được thành lập năm 1983, trên cơ sở Phòng Bảo tồn – Bảo tàng (thuộc Ty Văn hóa Thanh Hóa) và là loại hình bảo tàng lịch sử địa phương. Từ số lượng tư liệu, hiện vật khiêm tốn ban đầu, đến nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ và trưng bày hơn 28.000 hiện vật. Trong đó, số lượng hiện vật được trưng bày thường xuyên là hơn 2.000 hiện vật quý hiếm, giàu giá trị; số hiện vật còn lại đang được lưu giữ tại Kho kiểm kê bảo tàng. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ bộ sưu tập trống đồng tương đối đồ sộ, nếu so sánh với hệ thống bảo tàng cấp tỉnh (trên 100 chiếc). Đồng thời, đây cũng là nơi trưng bày 3 bảo vật quốc gia là Kiếm ngắn núi Nưa, Vạc đồng Cẩm Thủy và Trống đồng Cẩm Giang. Đây là thành quả từ công tác sưu tầm, nghiên cứu khoa học, bảo quản, trưng bày, giới thiệu hiện vật của đội ngũ những người làm công tác bảo tàng suốt nhiều thập kỷ qua. Đồng thời, là minh chứng sống động cho bề dày lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội của mảnh đất Thanh Hóa.
Trưng bày được xem là dấu hiệu phân biệt hoạt động bảo tàng với các cơ quan nghiên cứu khoa học. Nói cách khác, “ngôn ngữ biểu hiện” của bảo tàng chính là cách thức trưng bày các hiện vật sao cho đặc sắc, hấp dẫn, nhằm phục vụ việc học tập, nghiên cứu và nhất là góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Chính số lượng hiện vật phong phú, đa dạng về loại hình, chất liệu và có giá trị to lớn, là cơ sở quan trọng để thực hiện việc trưng bày, giới thiệu đến công chúng. Theo đó, những năm qua Bảo tàng tỉnh đã xây dựng được 7 phòng trưng bày theo tiến trình lịch sử và chủ đề, bao gồm “Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử”, “Thanh Hóa từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”, “Trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa”, “Truyền thống cách mạng Thanh Hóa, giai đoạn 1858 - 1945”, “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giai đoạn 1945 - 1975”, “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa”, “Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa”. Cùng với đó, công tác thuyết minh cũng từng bước được đổi mới, nhằm phục vụ đa dạng yêu cầu của nhiều đối tượng khách tham quan, nghiên cứu, học tập.
Thành lập năm 1983 nhưng đến năm 1987, Bảo tàng tỉnh mới được tiếp nhận Bệnh viện Việt – Trung để cải tạo và gây dựng nên cơ ngơi như hiện nay. Theo đó, Bảo tàng hiện có hệ thống kho bảo quản hiện vật rộng gần 280 m2 ở tầng 1; còn tầng 2 và tầng 3 được cải tạo thành 4 phòng trưng bày, với tổng diện tích sàn hơn 500 m2. Ngoài ra, trong khuôn viên bảo tàng còn hai khu nhà 2 tầng cũng được cải tạo để có thêm 3 phòng trưng bày hiện vật. Vài năm gần đây, các phòng trưng bày này đã được đầu tư nâng cấp cả nội dung và hình thức, kết hợp một số phương tiện, thiết bị, nội thất hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, đặc trưng cơ bản cũng là nhiệm vụ trọng tâm nhất của Bảo tàng là công tác trưng bày, bảo quản, gìn giữ giá trị các hiện vật, cổ vật quý. Do đó, nó đòi hỏi các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phải đầy đủ, phù hợp. Nói cách khác, để “ngôn ngữ biểu hiện” của bảo tàng có thể nâng thành nghệ thuật, thì việc trưng bày phải có sự tích hợp đầy đủ các điều kiện, các yếu tố truyền thống và hiện đại. Trong đó, truyền thống là cách thức trưng bày trực quan sinh động; còn hiện đại là có sự tham gia của công nghệ ảo, công nghệ số hóa. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất bảo tàng những năm qua mới chỉ đáp ứng phần nào yêu cầu trưng bày, bảo quản. Còn thực tế, với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật như hiện nay của đơn vị, rất khó để đáp ứng yêu cầu bảo quản, trưng bày hiện vật; cũng như đáp ứng yêu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập ngày càng cao của các đối tượng khách.
Khối lượng hiện vật đồ sộ và giàu giá trị đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, có lẽ là niềm mơ ước của không ít bảo tàng cấp tỉnh trong cả nước. Tuy nhiên, để bảo vệ, gìn giữ các hiện vật một cách tốt nhất, thiết nghĩ, tỉnh ta cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác văn hóa đặc thù này. Qua đó, giúp các hiện vật phát huy được giá trị “sống” thực sự của nó. Đó là không chỉ nằm im trong tủ kính, hay trong các gian trưng bày; mà còn đến gần với công chúng thông qua thứ “ngôn ngữ” đặc biệt như là tấm gương phản ánh những hào quang từ quá khứ vào đời sống đương đại.