Đưa nhầm tin 'Nga đã xâm lược Ukraine', hãng tin Bloomberg vội vàng xin lỗi!
Giữa lúc tình hình biên giới giữa Ukraine và Nga có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 4/2 đã đưa tin sai sự thật rằng 'Nga đã xâm lược Ukraine', sau 30 phút tin này mới được gỡ xuống.
Hãng tin Bloomberg sau đó đã đưa ra lời xin lỗi và mở một cuộc điều tra về vụ việc đưa tin “Nga đã xâm lược Ukraine” trong khi thực tế không hề xảy ra việc này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày hôm sau (5/2) đã mỉa mai rằng từ nay về sau Nga có thể sử dụng từ "Bloomberg News" để thay cho "tin giả" trong các bản tin thời sự.
Bloomberg đã xuất bản một bài báo trên trang nhất của trang web của mình lúc 16 giờ chiều theo giờ địa phương ngày thứ Sáu (4/2): "Trực tiếp: Nga đã xâm lược Ukraine". Tin giả này sau hơn 30 phút đã được gỡ xuống nhưng đã được rất nhiều cư dân mạng và giới truyền thông "chộp" được. Một số nhà phân tích Nga mô tả đó là một sai lầm rất lớn và kỳ quặc.
Tuyên bố xin lỗi của Bloomberg
Bloomberg cùng ngày đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ rất lấy làm tiếc về vụ việc, giải thích rằng họ đã chuẩn bị các tiêu đề cho nhiều tình huống trong tình hình Ukraine-Nga, nhưng vào chiều hôm đó đã vô tình đăng dòng tiêu đề “Nga đã xâm lược Ukraine” trên trang web của họ; họ cũng đề cập nội dung liên quan đã bị xóa và đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.
Về vụ việc này, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin trả lời rằng bản tin của Bloomberg thể hiện sự nguy hiểm của kiểu ngôn luận gây hấn, "điều này chứng tỏ rằng tình hình là rất nguy hiểm do sự tuyên truyền phóng đại liên tục của kiểu ngôn luận gây hấn ở Washington, London và một số nước châu Âu". Ông nói, trong lúc tình thế căng thẳng, chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng rất nguy hiểm.
Cư dân mạng phê phán sai sót nghiêm trọng của Bloomberg
Dù Bloomberg đã nhanh chóng gỡ bỏ tin này và xin lỗi nhưng dòng tít "Nga đã xâm lược Ukraine" đã nhanh chóng làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới Nga-Ukraine ngày càng gia tăng.
Theo bà Olga Lautman, một nhà phân tích người Nga tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), tiêu đề tin "Nga đã xâm lược Ukraine" được treo trên trang nhất của trang web Bloomberg ít nhất suốt 30 phút. Bà đã yêu cầu lời giải thích của Bloomberg trên Twitter, với câu hỏi: "Rốt cục chuyện quái gì đã xảy ra ... Ai đó đã nhấn nhầm nút gửi hay bị tin tặc tấn công?"
"Sai lầm của Bloomberg thật ấu trĩ và thô thiển". Một cư dân mạng phàn nàn, "Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine" đã không hề xảy ra."
Nhà nghiên cứu Olga Lautman chỉ trích sai sót của Bloomberg.
Tính đến thời điểm tối ngày 5/2, Bloomberg vẫn chưa đưa ra nguyên nhân cụ thể gì đã dẫn đến sai lầm nghiêm trọng này.
Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã trả lời về vấn đề này vào ngày 5/2 theo giờ địa phương. Ông châm biếm rằng Điện Kremlin sau này có thể sử dụng thuật ngữ "Tin tức Bloomberg" thay vì "tin giả" do tiêu đề tin tức giả mạo của Bloomberg một ngày trước đó.
Dmitry Peskov nói, ông không cho rằng Bloomberg phát tiêu đề sai là hành động khiêu khích, nhưng nhấn mạnh rằng trong tình hình căng thẳng hiện nay, "bất kỳ tia lửa nào" cũng đều có thể nguy hiểm. Ông nói thêm: "Đây là một minh chứng hoàn hảo cho thấy tình hình có thể trở nên nguy hiểm như thế nào khi Mỹ, Anh và các chính phủ châu Âu khác tiếp tục đưa ra những luận điệu hung hăng và gây hấn."
Truyền thông Mỹ tuyên truyền về Nga tập kết lực lượng chuẩn bị tấn công Ukraine (Ảnh: MAXAR).
Trước đó, nhiều cơ quan truyền thông chính thống của Mỹ đã đưa ra những cáo buộc mơ hồ tương tự chống lại Nga.
Ngày 3/2, nhiều cơ quan truyền thông Mỹ đưa một tin “tình báo mới nhất”: Nga đang xem xét làm một video tuyên truyền về cuộc tấn công của quân đội Ukraine nhằm vào Nga nhằm tạo cớ để “xâm lược” Ukraine trong vài ngày tới. Theo Russia Today (RT), tờ Washington Post là nơi đưa tin đầu tiên về giả thuyết này vào sáng ngày 3/2.
Tuy nhiên, tuyên bố này ngay lập tức bị phía Nga bác bỏ: "Nga chưa bao giờ làm bất cứ điều gì như thế này", phía Nga nói.
Tổng thống Ukraine Zelensky thị sát Quân đội ở tuyến trước biên giới với Nga (Ảnh: AP).
Trong bối cảnh tình hình biên giới giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng, các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu thường xuyên lên tiếng gay gắt, tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga, đồng thời một số nước cũng bắt đầu đưa quân sang hỗ trợ Ukraine. Hiện tại, NATO, Ukraine và Nga đang ở trong tình trạng “gươm tuốt khỏi vỏ” với nhau".
Vào cuối tháng 1, Mỹ và Anh đã liên tiếp rút các nhân viên ngoại giao của họ khỏi Ukraine. Sau khi Mỹ và NATO bác bỏ "lằn ranh đỏ" của Nga rằng NATO không được mở rộng về phía đông, họ đã gửi văn bản trả lời về dự thảo hiệp định đảm bảo an ninh song phương, và Nga ngay lập tức trả lời rằng "không hài lòng và không thể chấp nhận."