Đưa nông sản an toàn trở thành sản phẩm đại trà, giá hợp lý
Kỳ III: Đi tìm lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản an toàn
Muốn đưa nông sản an toàn thành sản phẩm đại trà, có mức giá hợp lý để đại đa số người dân trên địa bàn tỉnh có thể sử dụng, việc hạ giá thành sản phẩm cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ là những giải pháp tất yếu, cần được ưu tiên hàng đầu.
Chiếm lĩnh thị trường chợ truyền thống
Trong thời kỳ phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, việc đưa sản phẩm lên kệ siêu thị là mong muốn của hầu hết những người làm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch.
Tuy nhiên, yêu cầu khắt khe về thủ tục giấy tờ cũng như tỷ lệ chiết khấu mà các siêu thị đưa ra khiến giá nông sản tại siêu thị bị đẩy lên cao, hạn chế khả năng tiếp cận nông sản sạch của người tiêu dùng.
Mặt khác, chính sách thu mua nông sản của các siêu thị có nhiều điều khoản không có lợi cho nhà cung cấp, điển hình như: Việc thanh toán tiền theo phương thức gối sóng (tức là siêu thị nhập hàng đợt sau thì mới thanh toán tiền lô hàng đợt trước); phạt vi phạm hợp đồng;… làm cho các doanh nghiệp (DN) hay cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) nông sản an toàn không mặn mà trong việc cung ứng nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại này.
Bởi vậy, đến nay, việc tiêu thụ nông sản an toàn qua kênh siêu thị mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, sản lượng nông sản bán ra tại một số siêu thị trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng vài tạ rau, củ, quả/ngày. Do đó, nông sản an toàn không thể chỉ trông chờ vào kênh tiêu thụ hiện đại tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà cần phải đa dạng thị trường, hướng đến các thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng là các chợ dân sinh, chợ truyền thống.
Trên thực tế, dù các kênh thương mại hiện đại đã và đang tiếp tục mở rộng phạm vi phủ sóng khắp mọi miền nhưng chợ truyền thống vẫn giữ được thế mạnh trong kinh doanh thực phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản. Không chỉ là kênh mua sắm chính của đại đa số với sức tiêu thụ lớn, giá thuê mặt bằng tại chợ cũng thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung. Đây là những yếu tố cốt lõi, góp phần kéo nông sản sạch về giá trị thật và phổ biến hơn nếu được tiêu thụ tại các chợ truyền thống.
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT , xét ở góc độ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, việc nông sản trồng theo hướng VietGAP, hữu cơ đưa ra tiêu thụ tại chợ dân sinh, chợ truyền thống là tín hiệu tích cực bởi ngày càng có nhiều người dân được sử dụng nông sản an toàn với mức giá phù hợp.
Tất nhiên, thúc đẩy tiêu thụ trong các chợ truyền thống không đồng nghĩa với việc để nông sản an toàn bị đánh đồng với nông sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, nông sản không an toàn như tình trạng mà nhiều HTX, đơn vị SXKD đang gặp phải hiện nay. Để chứng minh nguồn gốc, nâng cao giá trị cạnh tranh cho nông sản an toàn tại chợ, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích nông dân, HTX nông nghiệp sản xuất theo hướng an toàn, dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đối với nông sản lưu thông trong chợ; nâng cao ý thức của tiểu thương, không chỉ kinh doanh vì lợi nhuận mà còn phải chú trọng đến sức khỏe cộng đồng…
Được biết, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 81 chợ đang hoạt động (chưa kể các chợ cóc, chợ tạm được hình thành tự phát ở khu vực tập trung dân cư); trong đó có: 4 chợ hạng I, 11 chợ hạng II và 66 chợ hạng III. Từ năm 2018, ngành Công thương đã triển khai và nhân rộng mô hình “Chợ thí điểm đảm bảo ATTP” tại 4 chợ gồm: Chợ Vĩnh Yên, chợ - Trung tâm thương mại Yên Lạc, chợ - Trung tâm thương mại thị trấn Vĩnh Tường và chợ Bồ Sao (Vĩnh Tường) và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 chợ được xây dựng theo mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm ATTP”. Đây là cơ hội lớn để nông sản an toàn có cơ hội phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ tại thị trường chủ lực này.
Đẩy mạnh liên kết “4 nhà”
Nhằm nâng cao chất lượng, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai các chính sách, kế hoạch khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các chương trình: Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, khuyến nông,… hình thành các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sơ chế, chế biến tập trung, chợ đầu mối,… đủ điều kiện SXKD nông - lâm - thủy sản chất lượng, ATTP.
Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các Hiệp hội ngành hàng trong đào tạo, tập huấn cho hộ nông dân, tổ chức kinh tế hợp tác trong tự kiểm soát và giám sát cộng đồng về chất lượng, ATTP; về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truyền thông, quảng bá sản phẩm chất lượng, an toàn. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tín nông sản của tỉnh.
Song song với những nỗ lực của ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương các cấp, bản thân các DN, đơn vị SXKD nông sản an toàn cần đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư cho công tác bảo quản, chế biến nông sản, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, có sự liên kết “4 nhà” trong quá trình phân phối và chế biến sản phẩm. Từ đó, tạo ra những nông sản an toàn với mức giá hợp lý, đủ sức cạnh tranh. Có như thế, nông sản sạch mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, trở thành sản phẩm đại trà, được đông đảo người tiêu dùng biết đến và sử dụng!