Đưa pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thường Xuân
Để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, thời gian qua các cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Thường Xuân đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tới người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Vừa hướng dẫn đôi vợ chồng trẻ điền các thông tin để làm thủ tục đăng ký kết hôn, công chức tư pháp - hộ tịch xã Vạn Xuân Hà Văn Bằng vừa hỏi han tình hình tổ chức đám cưới của đôi bạn trẻ, song cũng không quên nhiệm vụ của mình đó là tuyên truyền cho họ hiểu mối quan hệ giữa vợ và chồng được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình.
“Đối với mỗi người dân đến làm các thủ tục hành chính liên quan đến các quy định của pháp luật, chúng tôi đều linh hoạt trong cách tuyên truyền để bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Còn nếu tổ chức hội nghị, hoặc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, lồng nghép trong các buổi sinh hoạt đoàn thể thì phải lựa chọn những nội dung sát với thực tế, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân để người dân hiểu và thực hiện theo quy định của pháp luật”, công chức tư pháp - hộ tịch Hà Văn Bằng chia sẻ.
Qua tìm hiểu được biết, không chỉ xã Vạn Xuân lựa chọn nội dung tuyên truyền pháp luật sát với thực tế mà những năm qua để triển khai pháp luật một cách sâu rộng đến người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện Thường Xuân đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn trên cơ sở kế hoạch, chương PBGDPL của huyện và các nhiệm vụ được phân công để xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền phù hợp với thực tiễn cuộc sống cũng như nhận thức của cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Thường Xuân Lương Xuân Hồng, cho biết: Những năm qua, mặc dù các cơ quan thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện, UBND các xã, thị trấn đã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác PBGDPL cho người dân. Song, với đặc thù là huyện miền núi, vẫn còn một bộ phận người dân chưa hiểu biết hoặc hiểu chưa đầy đủ về các quy định của pháp luật, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, các cơ quan thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện, UBND các xã, thị trấn đã lựa chọn hình thức và các nội dung tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng đối tượng, như: Tuyên truyền miệng, giới thiệu văn bản luật thông qua các hội nghị, hòa giải cơ sở, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt hằng tháng của các đoàn thể; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên hệ thống truyền thanh ở các xã, thôn, tổ dân phố; xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở các nhà văn hóa...
Tính riêng năm 2023, các cơ quan thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện đã tổ chức được 17 cuộc, với 987 lượt người tham gia; đối với cấp xã, thị trấn đã tổ chức được 100 cuộc, với hơn 9.000 lượt người tham gia. Trong đó, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức được 8 hội nghị tuyên truyền về Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Thanh niên, một số nội dung về bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em, tác hại của thuốc lá điện tử tại các xã Bát Mọt, Xuân Thắng, Tân Thành và các trường THCS trên địa bàn huyện. Đồng thời tổ chức hội nghị tập huấn về công tác hòa giải cho hòa giải viên cơ sở với 500 người tham gia. Các thành viên hội đồng như: Huyện đoàn tổ chức được 20 cuộc tuyên truyền Luật Thanh niên, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và Gia đình với 2.000 lượt cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia; phối hợp với Ban An toàn giao thông huyện tổ chức hội thi “Thanh niên học đường với văn hóa giao thông” cho học sinh các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện. Hội LHPN huyện tổ chức 1 lớp tập huấn với 250 người tham gia; 16 cuộc truyền thông về hỗ trợ người bị bạo lực giới trên cơ sở giới; lồng ghép giới, thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình cho 100 cán bộ thôn và Nhân dân tham gia. Hội nông dân huyện tổ chức 2 buổi tuyên truyền pháp luật với 500 lượt hội viên tham gia dưới hình thức lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi hội và thông qua Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”...
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các cơ quan thành viên trong hội đồng phối hợp PBGDPL và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã lựa chọn nội dung tuyên truyền sát với đời sống, sản xuất và giải quyết các vấn đề bức xúc của đồng bào, như các quy định về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hủ tục, bảo vệ và phát triển rừng; chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các chính sách về an sinh xã hội, chính sách dân tộc của Trung ương, của tỉnh... qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật tại các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định tình tình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
"Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền, PBGDPL đối với người dân, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật sát với nhu cầu đời sống, sản xuất của đồng bào, phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn và các điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; lồng ghép công tác PBGDPL với việc thực hiện các chương trình, các phong trào vận động quần chúng một cách thiết thực, có hiệu quả. Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác PBGDPL, đảm bảo có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội....", Trưởng Phòng Tư pháp huyện Thường Xuân Lương Xuân Hồng cho biết.