Đưa pháp luật vào cuộc sống
Với nhiều cách làm hay, hiệu quả, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống, người dân được thông tin pháp luật, có ý thức chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hòa giải cơ sở góp phần giữ gìn tình đoàn kết trong nhân dân
Nhiều năm qua, huyện Cần Đước, tỉnh Long An luôn được xem là địa phương đi đầu trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống với nhiều cách làm hay, hiệu quả, đặc biệt là thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng tình đoàn kết nhân dân. UBND huyện không ngừng quan tâm chỉ đạo các phòng, ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp UBMTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác hòa giải, đưa ra các mô hình, cách làm hay, vận dụng, nhân rộng để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư gắn với tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở.
Trưởng phòng Tư pháp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, đến nay, trên toàn huyện có 115 tổ hòa giải với 631 hòa giải viên (HGV), trong đó có 149 HGV nữ, đáp ứng yêu cầu công tác hòa giải ở cơ sở. Các tổ hòa giải thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hầu hết HGV được lựa chọn giới thiệu, nhân dân bầu tín nhiệm đều là những người có kinh nghiệm, uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ học vấn và kiến thức pháp luật, có khả năng hòa giải và tổ chức hòa giải tốt các tranh chấp nhỏ ở cộng đồng dân cư.
Hàng năm, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam từ huyện đến cơ sở có kế hoạch củng cố đội ngũ làm công tác hòa giải cơ sở như có thay đổi nhân sự thì tìm người thay thế, sau đó đề nghị UBND cấp xã ban hành quyết định công nhận các tổ hòa giải ở các ấp bảo đảm đủ thành phần và số lượng theo quy định.
Huyện Cần Đước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Dù tranh chấp trong nhân dân, nhất là những tranh chấp liên quan đến đất đai diễn ra nhiều nhưng từ công tác hòa giải cơ sở và làm tốt thông tin, tuyên truyền pháp luật, số vụ việc hòa giải giảm rõ rệt qua từng năm.
Theo thống kê của UBND huyện Cần Đước, giai đoạn 2014-2018, huyện có 1.085 vụ tranh chấp, trong đó các tổ hòa giải tổ chức hòa giải thành 954 vụ, đạt 87,9%; giai đoạn từ năm 2019 đến hết tháng 6/2023, tiếp nhận 378 vụ tranh chấp, tổ chức hòa giải thành 357 vụ, đạt 94,4%.
Thông tin từ Sở Tư pháp, đến nay, toàn tỉnh có 1.002 tổ hòa giải với 5.989 HGV, trong đó có 1.474 HGV là nữ. Đặc biệt, từ khi thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ HGV ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho HGV thì khi tham gia hòa giải, HGV có trách nhiệm hơn, tâm huyết hơn, kỹ năng thực hiện các cuộc hòa giải tốt hơn, sâu sát hơn, nghiên cứu giải quyết thấu tình, đạt lý, tạo được sự đồng thuận của các bên cao hơn. Nhận thức và ý thức của HGV ở cơ sở được nâng lên rõ rệt, có bản lĩnh và trách nhiệm trong xử lý vụ việc, từ đó, số vụ việc hòa giải thành tăng so với trước đây. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hòa giải thành đạt 86,1% thì đến năm 2022, tỷ lệ hòa giải thành đạt 91,2%.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 96%. So với giai đoạn 2015-2018 thì giai đoạn 2019-2022, số vụ việc hòa giải ở cơ sở giảm trên 48%. Trong đó, giai đoạn 2015-2018 tiếp nhận 9.125 vụ việc, tổ chức hòa giải thành 8.082 vụ việc, đạt trung bình 88,54%; giai đoạn 2019-2022 tiếp nhận 4.424 vụ việc, tổ chức hòa giải thành 4.060 vụ, đạt trung bình 91,8%.
“Hiệu quả công tác hòa giải cơ sở cho thấy công tác PBGDPL thông qua hoạt động hòa giải cơ sở ngày càng lan tỏa, đạt hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, giúp người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để có cách xử sự phù hợp với quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội, giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân cũng như củng cố, phát huy tình cảm và đạo lý truyền thống, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở địa phương” - Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp - Lê Thị Lo cho biết.
Đổi mới các mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Nếu như tại các địa phương đang tập trung duy trì các mô hình tuyên truyền, PBGDPL hiệu quả nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống thì tại các vùng sâu, vùng xa, các đối tượng đặc thù, mỗi năm, các đơn vị phụ trách lại tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, tập trung hướng về cơ sở.
Tại Đồn Biên phòng Bình Thạnh (huyện Mộc Hóa), hầu như tuần nào Thượng úy Hoàng Đình Ngọc - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, cũng cùng đồng đội đi về các ấp, trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền pháp luật. “Bên cạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương, chúng tôi thường tuyên truyền các nội dung về biên giới, bởi đây là những quy định liên quan trực tiếp đến người dân cũng như nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Năm nay, đơn vị tập trung tuyên truyền sâu hơn về Luật Biên phòng Việt Nam, Nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia năm 2019, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị định về quy chế khu vực biên giới đất liền và các hiệp ước liên quan đến hoạch định biên giới quốc gia giữa 2 nước nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Qua đó, giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” - Thượng úy Hoàng Đình Ngọc cho biết.
Đối với lực lượng công an, nhiều năm qua luôn chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho các đối tượng đặc thù. Trong đó, duy trì, củng cố, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy như các mô hình: 3 quản, 3 giúp người nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng khu dân cư an toàn, lành mạnh; Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy và đẩy lùi tệ nạn ma túy trong cộng đồng dân cư; Nhóm Zalo tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phòng, chống tội phạm; Tuyên truyền phòng ngừa không để ma túy xâm nhập cộng đồng dân cư; Gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật theo tiêu chí 1+5; Phối hợp 5 lực lượng trong tuần tra phòng, chống tội phạm;... Từ đó, phát huy hiệu quả trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự và công tác phòng, chống tội phạm.
Theo bà Lê Thị Lo, ngoài biện pháp tuyên truyền, PBGDPL truyền thống, hiện nay, Sở cũng yêu cầu các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL, nhất là ứng dụng các nền tảng mạng xã hội để đưa pháp luật đến sâu hơn trong đời sống, giúp người dân dễ tiếp cận khi cần thông tin pháp luật.
“Qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác PBGDPL, xem PBGDPL là bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị. Đặc biệt, qua từng năm, hình thức tuyên truyền, PBGDPL ngày phong phú, đa dạng, dễ áp dụng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn và đáp ứng được yêu cầu đưa pháp luật vào cuộc sống. Các mô hình hay, cách làm tốt được đúc kết, nhân rộng, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác PBGDPL.
Công tác PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân; phát huy dân chủ, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Không để phát sinh điểm nóng, hạn chế vi phạm pháp luật; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH” - bà Lê Thị Lo khẳng định./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dua-phap-luat-vao-cuoc-song-a166046.html