Đưa pháp luật về ATGT đến với đồng bào dân tộc thiểu số
PTĐT - Do phong tục, tập quán và nhận thức nên việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đường sắt đối với bà con các dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế, nhiều lỗi vi phạm vẫn xảy ra.
PTĐT - Do phong tục, tập quán và nhận thức nên việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đường sắt đối với bà con các dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế, nhiều lỗi vi phạm vẫn xảy ra. Chính vì vậy, việc thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó có tuyên truyền pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.
Đã hơn 11h trưa, 3 chiến sĩ của Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Tân Sơn vẫn kiên nhẫn giải thích cho mấy thanh niên là người dân tộc thiểu số về hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của họ. Qua giải thích, mấy thanh niên đã hiểu mình vừa uống rượu ở đám giỗ về và không đội mũ bảo hiểm là sai nên đã đồng ý kí vào biên bản vi phạm. Thiếu tá Đỗ Trung Kiên, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Tân Sơn cho biết: “Đặc thù của huyện Tân Sơn là có hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức về Luật còn hạn chế, cộng thêm phong tục tập quán có nhiều ngày lễ tết, nên họ thường xuyên uống rượu, vì thế số người vi phạm lỗi về nồng độ cồn khá cao. Mặc dù trong Luật và Nghị định đã quy định về mức xử phạt nhưng chúng tôi vẫn phải coi công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm để giúp người dân hiểu, tránh vi phạm khi tham gia giao thông”.
Thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xảy ra không chỉ ở các đối tượng lớn tuổi mà hiện tượng học sinh điều khiển xe đạp, xe máy điện; xe máy trên 50 phân khối không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, chở 3, 4, dàn hàng ngang… đến trường cũng khá phổ biến. Mặc dù đã được nhà trường thường xuyên tuyên truyền, vận động, tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa và mời lực lượng cảnh sát giao thông đến trực tiếp tuyên truyền nhưng tình trạng đó cũng chỉ hạn chế được phần nào. Trường THPT Thạch Kiệt huyện Tân Sơn hiện đang có 862 học sinh thuộc địa bàn các xã: Thu Cúc, Lai Đồng, Thạch Kiệt, Kiệt Sơn, Đồng Sơn, Tân Phú, Mỹ Thuận, Thu Ngạc theo học. Bên cạnh số học sinh ở lại nội trú trong trường, đại bộ phận học sinh vẫn đi về trong ngày, trong đó, những em ở xa nhất cách trường tới gần 20km. Do đường xa nên khá nhiều phụ huynh đã mua xe máy, xe đạp điện cho các cháu đến trường, trong đó có không ít phương tiện dung tích trên 50 phân khối. Với tâm lý của tuổi thanh, thiếu niên nên trên đường đến trường hoặc đi học về, tình trạng không đội mũ bảo hiểm, lạng lách trên đường là khó tránh khỏi. Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Kiệt cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho các em, ngoài việc mời cán bộ cảnh sát giao thông hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ để các em biết và tuân thủ thì trong các buổi chào cờ thứ 2 hàng tuần, nhà trường đều dành thời gian để tuyên truyền, coi đây là nội dung bắt buộc. Không chỉ vậy, nhà trường cũng đã tổ chức ký cam kết không để con em vi phạm luật ATGT khi đến trường đối với phụ huynh trong các kỳ họp phụ huynh; yêu cầu học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật về giao thông. Đầu năm học, Ban giám hiệu phân công đến các khu, xóm cùng những người có uy tín, trưởng khu vận động các gia đình nhắc nhở con cháu tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật khi tham gia giao thông. Nhờ đó, tình trạng học sinh của nhà trường không đội mũ bảo hiểm, lạng lách trên đường đã giảm đáng kể”.
Huyện miền núi Đoan Hùng có địa bàn giáp ranh với tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang, có tới 3 tuyến đường quốc lộ chạy qua với tổng chiều dài 53 km cùng hệ thống tuyến đường tỉnh lộ có tổng chiều dài lên tới 116 km. Đoan Hùng là cửa ngõ giao thông huyết mạch, giao điểm kết nối các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh khu vực Tây Bắc. Những năm qua, Đoan Hùng là địa bàn dễ xảy ra tai nạn giao thông, do đó, Ban ATGT huyện, trong đó nòng cốt là lực lượng cảnh sát giao thông luôn xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhất là chú trọng tuyên truyền đến đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số.Là một trong những xã có bộ phận đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống, Đảng bộ và chính quyền xã Tây Cốc luôn chú trọng đến việc phối hợp tuyên truyền về Luật giao thông đường bộ cho người dân địa phương. Ông Lê Công Ích, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “ Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT, chúng tôi đã giao cho các tổ chức, đoàn thể xây dựng các phương án tuyên truyền phù hợp với đặc thù của từng khu, từng nhóm đối tượng sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Vì vậy, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân Tây Cốc đã được nâng cao một cách đáng kể”.Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong 9 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 43 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 38 người chết và 21 người bị thương (giảm 29 vụ, 2 người chết và 30 người bị thương so với cùng kỳ năm 2019), trong đó địa bàn xảy ra nhiều nhất là ở huyện miền núi Đoan Hùng (7 vụ, 10 người chết, 2 người bị thương), Thanh Sơn (6 vụ, 6 người chết, 6 người bị thương). Cũng trong 9 tháng, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt trên 59 nghìn trường hợp, thu nộp ngân sách gần 51 tỷ đồng; tạm giữ trên 8 nghìn phương tiện các loại; tạm giữ trên 29,5 nghìn giấy tờ xe các loại và tước trên 4 nghìn giấy phép lái xe. Những lỗi vi phạm chính như không đội mũ bảo hiểm (trên 20,7 nghìn trường hợp); vi phạm tốc độ (3,7 nghìn trường hợp); vi phạm nồng độ cồn (5,5 nghìn trường hợp)….Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong 9 tháng của năm 2020, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã tổ chức 258 buổi tuyên truyền cho 318 nghìn lượt người tham gia, trong đó có đối tượng là đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học tổ chức tuyên truyền, giáo dục cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện tốt các quy định về đảm bảo trật tự ATGT, lồng ghép giáo dục ATGT thông qua giảng dạy các bộ môn văn hóa, hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp; triển khai chương trình trao tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em bước vào lớp 1 năm học 2020 – 2021 tại lễ khai giảng. Các cơ quan thành viên của Ban ATGT tỉnh và Ban ATGT các huyện, thành, thị đã tích cực chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền pháp luật ATGT, phối hợp với các đơn vị, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyên truyền đảm bảo TTATGT trên địa bàn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, lên án các hành vi vi phạm thường gặp như vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy…Ông Tô Quang Hạnh, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao chặt chẽ và quyết liệt, trong đó có việc tuyên truyền pháp luật đến đồng bào vùng dân tộc thiểu số để đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giải pháp đồng bộ như lắp đặt các biển cảnh báo, cảnh báo, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường; dọn dẹp, giải tỏa hành lang an toàn giao thông, xiết chặt quản lý thi và cấp giấy phép lái xe… nhằm giảm thiểu tai nạn cũng được thực hiện thường xuyên, nhờ đó số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm.Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, số vụ vi phạm pháp luật về ATGT, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hơn trong thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hình thức tuyên truyền để phù hợp với trình độ, nhận thức và phong tục của bà con các dân tộc ít người, giảm thiểu những thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.