Đưa sách đến với phạm nhân

Với nỗ lực gieo hạt giống đẹp cho đời, thời gian qua, cán bộ Thư viện tỉnh đã đưa nhiều đầu sách hay đến với phạm nhân tại Trại giam Nghĩa An. Việc làm ý nghĩa ấy đã góp phần thức tỉnh những người từng một thời lầm lỡ.

Phạm nhân V.Đ.H. nhận giải Nhất cuộc thi “Viết lại cuộc đời” - Ảnh: Q.H

Phạm nhân V.Đ.H. nhận giải Nhất cuộc thi “Viết lại cuộc đời” - Ảnh: Q.H

Thức tỉnh trên trang sách

Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp tham gia chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Trại giam Nghĩa An tổ chức. Điểm nhấn của chương trình năm ấy là lễ trao giải cuộc thi chia sẻ về hành trình hướng thiện mang tên “Viết lại cuộc đời”.

Nhờ chương trình này, phóng viên có dịp trò chuyện trực tiếp với phạm nhân V.Đ.H. (sinh năm 1994), người đoạt giải Nhất cuộc thi. “Lúc bị kết án, em nghĩ cuộc đời mình sẽ chấm dứt từ đây. Thế nhưng, suy nghĩ ấy đã thay đổi. Chính trang sách đã thức tỉnh em”, H. nói.

Từ nhỏ, phạm nhân V.Đ.H. đã không được sống trong vòng tay ba. Anh lớn lên từ tình yêu thương và những giọt mồ hôi tảo tần của mẹ. Thương người sinh thành, nuôi dưỡng mình, H. chăm chỉ học tập và đã thực hiện được giấc mơ giảng đường. Một lần mượn xe bạn đi chơi, anh uống say và gây ra tai nạn giao thông.

Để có tiền đền bù, H. thử vận may với trò đỏ đen, rồi lún sâu hơn vào nợ nần và kết cục cuối cùng là rơi vào lòng lao lý. Những ngày trong trại giam, có lúc phạm nhân H. cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng đến cùng cực. Một lần, nghe quản giáo giới thiệu về tủ sách ở phân trại, H. tìm đọc và say mê lúc nào không hay. Sách đã giúp anh cởi bỏ những suy nghĩ tiêu cực, quyết tâm cải tạo để sớm trở lại với đời thường.

“Nhờ đọc sách nên những suy nghĩ trong tôi đổi khác. Vốn câu, vốn từ cũng nhiều hơn. Tôi đã thuận lợi chuyển tải câu chuyện chia sẻ hành trình hướng thiện của mình trong 6 trang giấy A4 và may mắn đoạt giải Nhất tại cuộc thi viết”, phạm nhân H. kể.

Theo Trung tá Bùi Ngọc Quận, Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ, Trại giam Nghĩa An, từ năm 2016, mô hình “Tủ sách cho phạm nhân” đã được xây dựng tại trại giam. Ngay sau khi ra đời, mô hình sớm mang lại những tín hiệu đáng mừng. Ngày có càng nhiều phạm nhân yêu thích đọc sách. Việc học tập và làm theo những tấm gương sáng, hành động đẹp trong sách dần hình thành. Giống như trường hợp V.Đ.H., không ít phạm nhân đã thức tỉnh từ trang sách.

Đó là động lực thôi thúc các cán bộ, chiến sĩ cố gắng nhiều hơn để phát huy hiệu quả của mô hình “Tủ sách cho phạm nhân”. Sau khi nắm thông tin một số phạm nhân mong muốn đọc sách, báo nhưng không biết chữ, cán bộ, chiến sĩ Trại giam Nghĩa An còn kết nối, phối hợp tổ chức lớp xóa mù chữ. Không dừng lại ở đó, họ còn thường xuyên tổ chức cho phạm nhân những hoạt động ý nghĩa như: giới thiệu những cuốn sách, tờ báo hay; thi làm báo tường; tham gia cuộc thi viết...

Ít ai biết, để “Tủ sách cho phạm nhân” phát huy hiệu quả, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Trại giam Nghĩa An đã thầm lặng đóng góp và chung tay tìm kiếm nguồn sách. Mỗi lần được ai đó trao tặng sách, các cán bộ, chiến sĩ mừng như chính mình nhận được quà. Trong số các nhà hảo tâm, điều khiến những người làm công tác quản giáo xúc động là có một số phạm nhân đã ra tù, nay trở lại trại giam để tặng sách.

Thế nhưng, không phải lúc nào việc huy động sách cho phạm nhân cũng diễn ra thuận lợi. Vì vậy, khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên từ Sở VH, TT&DL, Thư viện tỉnh, các cán bộ, chiến sĩ Trại giam Nghĩa An rất mừng. Hiện tại, mỗi phân trại ở Trại giam Nghĩa An đều có một “Tủ sách cho phạm nhân”. “Trân quý những sự hỗ trợ, chúng tôi luôn nỗ lực phát huy cao nhất ý nghĩa, vai trò của tủ sách đối với phạm nhân”, Trung tá Bùi Ngọc Quận nói.

Những đóng góp thầm lặng

Chuyện trò trước thềm xuân mới, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Trịnh Thị Thanh Hà nở nụ cười tươi khi nhắc đến ý nghĩa của trang sách đối với phạm nhân. Gắn bó với Thư viện tỉnh đã 19 năm, bà Hà từng có rất nhiều chuyến đi thăm, tặng sách cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Tuy nhiên, mỗi lần đến thăm, tặng sách tại trại giam, bà lại có những cảm xúc rất đặc biệt. “Chúng tôi rất vui khi mô hình “Tủ sách cho phạm nhân” ở Trại giam Nghĩa An phát huy hiệu quả. Đó là động lực thôi thúc chúng tôi nỗ lực tìm tòi, lựa chọn những cuốn sách hay, phù hợp để chung tay, góp sức giúp thức tỉnh lương tri của phạm nhân”, bà Hà nói.

Đến giờ, cán bộ Thư viện tỉnh không thể nhớ hết số lần đưa sách lên Trại giam Nghĩa An. Hoạt động ý nghĩa này khởi nguồn khi lãnh đạo đơn vị hay tin các cán bộ, chiến sĩ công tác tại trại giam đang gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực để xây dựng “Tủ sách cho phạm nhân”. Với tinh thần “đưa kho tàng tri thức đi muôn nơi”, đặc biệt là những nơi thực sự cần, lãnh đạo Thư viện tỉnh đã quyết định vào cuộc.

Từ đó, việc đưa sách đến trại giam đã trở thành hoạt động thường niên của Thư viện tỉnh. Những năm gần đây, mỗi khi chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” do Sở VH, TT&DL phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Trại giam Nghĩa An tổ chức, những đầu sách do chính tay cán bộ Thư viện tỉnh chọn lựa luôn là món quà không thể thiếu cho phạm nhân.

Trở về sau chuyến cùng lãnh đạo Sở VH, TT&DL thăm, tặng sách cho Trại giam Nghĩa An vào tháng 10/2023, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Trịnh Thị Thanh Hà rất xúc động khi được các quản giáo chia sẻ về sự đổi thay của phạm nhân từ trang sách. Sách đã thắp lên niềm tin, hy vọng trong lòng những người một thời lầm lỡ.

Từ đọc sách cho vơi nỗi buồn, một số phạm nhân xem sách là món ăn tinh thần không thể thiếu. Vì thế, mỗi lần có dịp gặp gỡ các đại biểu tham dự chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, một số phạm nhân đã vượt qua sự ngại ngần, gửi gắm mong muốn sớm được tiếp cận những đầu sách mới. Tín hiệu đáng mừng ấy thôi thúc cán bộ Thư viện tỉnh tích cực hơn trong việc phối hợp với Trại giam Nghĩa An nghiên cứu, phân loại, lựa chọn những đầu sách hay, phù hợp để mang tới với phạm nhân.

Nhắc đến sự tỉnh thức của phạm nhân trên trang sách, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Trịnh Thị Thanh Hà chia sẻ câu chuyện khiến bản thân và những cán bộ khác rất xúc động. Gần đây, cứ hai tuần một lần, các cán bộ Thư viện tỉnh lại thấy một người phụ nữ trạc tuổi 35 đến mượn sách. Sau khi quen biết, người phụ nữ này tâm sự, chị đến để mượn sách cho chồng của mình. Chồng chị sa chân vào ma túy và đang chấp hành án phạt. Trước đây, anh không thích, cũng không quan tâm đến trang sách.

Thế nhưng, khi vào trại giam, dường như những trang sách đã thức tỉnh anh. Mỗi lần vợ vào thăm, anh đều hỏi về sách. Không có nhiều tiền để mua sách thường xuyên cho chồng, người phụ nữ này đã tìm đến thư viện. “Câu chuyện ấy khiến chúng tôi rất xúc động và hiểu hơn ý nghĩa công việc mà mình đang làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để tiếp nối hành trình đưa sách đến với phạm nhân. Hy vọng sẽ có ngày càng nhiều phạm nhân thức tỉnh từ trang sách”, bà Trịnh Thị Thanh Hà nói với ánh mắt tràn ngập niềm tin.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/dua-sach-den-voi-pham-nhan/182714.htm