Đưa sách về cơ sở

Từ nhiều năm nay, hoạt động luân chuyển sách phục vụ lưu động được Thư viện tỉnh duy trì đều đặn. Qua đó, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc làm ý nghĩa này đang gặp những trở ngại để có thể phát triển hơn.

Để sách đến gần hơn với độc giả

Hơn 10 năm trước, hoạt động luân chuyển sách về cơ sở đã được Thư viện tỉnh triển khai. Hàng năm, Thư viện tỉnh tổ chức nhiều đợt luân chuyển sách đến các trường học, thư viện xã, bưu điện văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, tủ sách ở đồn biên phòng, tủ sách trại giam, trại tạm giam… với số lượng hàng chục nghìn đầu sách, báo, tài liệu. Chẳng hạn, trong năm 2019, Thư viện tỉnh đã thực hiện 7 đợt luân chuyển sách với tổng số 34.246 bản sách đến 80 điểm trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 61 điểm ở các trường học. Thông qua đó, nhiều đối tượng độc giả, nhất là độc giả trẻ được tiếp cận với những quyển sách hay, phù hợp với lứa tuổi. “Sách được các cô chú ở Thư viện tỉnh mang về rất hay và phong phú. Cháu đã tìm đọc được nhiều quyển sách có nội dung bổ ích”, em Nguyễn Phương Loan - học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) cho biết.

 Học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền (huyện Cam Lâm) trong một buổi đọc sách được phục vụ lưu động. Ảnh: Thư viện tỉnh cung cấp.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền (huyện Cam Lâm) trong một buổi đọc sách được phục vụ lưu động. Ảnh: Thư viện tỉnh cung cấp.

Theo ông Nguyễn Châu Hùng - Giám đốc Thư viện tỉnh, hiện nay, kho sách lưu động của Thư viện tỉnh đã có tổng số 74.964 bản sách, báo, tài liệu, nên đáp ứng được yêu cầu của công tác luân chuyển. Những năm gần đây, hoạt động luân chuyển sách ngày càng nhận được sự ủng hộ của các đơn vị, trường học. Việc xây dựng mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện của các trường học đã góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Vì vậy, việc xây dựng các điểm sách tại trường học của Thư viện tỉnh cũng được quan tâm và đạt được kết quả hơn trước. Bên cạnh việc luân chuyển sách, nhân các dịp hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, hay Tuần lễ học tập suốt đời, Thư viện tỉnh cũng có những việc làm cụ thể nhằm gia tăng nguồn sách của thư viện một số điểm trường học. Theo kế hoạch, năm 2020, Thư viện tỉnh tiếp tục đưa sách về cơ sở ở 80 điểm được chia làm 5 đợt. Trong đó có 61 điểm trường học, 6 điểm bưu điện văn hóa xã, 13 trạm khác thuộc xã, phường và đồn biên phòng, trại giam trong tỉnh.
Còn nhiều khó khăn

Đối với Thư viện tỉnh, đến nay vẫn chưa có phương tiện chuyên dụng để chuyên chở sách phục vụ lưu động. Nguồn kinh phí bổ sung sách kho lưu động còn thấp, trong khi đó nhu cầu của các điểm sách luân chuyển ngày càng tăng lên. Nhất là thư viện trường học liên tục mở các địa điểm phục vụ sách, trong khi đó kho sách lưu động chưa đủ đáp ứng các loại sách phù hợp với lứa tuổi học sinh. Các điểm luân chuyển sách thuộc bưu điện văn hóa xã đang ngày càng giảm hiệu quả rõ rệt, do cán bộ phụ trách kiêm nhiệm, phụ cấp thấp.

Còn với thư viện huyện, thị, thành phố, một số thư viện chưa được đầu tư đồng bộ, đúng quy cách. Chẳng hạn, Thư viện TP. Cam Ranh cơ sở vật chất đang bị xuống cấp, không có nước để sinh hoạt. Thư viện huyện Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa chưa có trụ sở riêng, chỉ có một phòng nhỏ vừa làm kho chứa tài liệu và làm phòng phục vụ cho độc giả đọc tại chỗ. Điều này dẫn đến một nghịch lý, là thư viện song lại từ chối nhận nguồn sách biếu tặng vì không có… chỗ để. Ngoài ra, vấn đề nhân sự và chế độ cho những người làm công tác thư viện cấp huyện cũng gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí bổ sung tài liệu cho các thư viện tuyến huyện khoảng từ 10 đến 30 triệu đồng/năm cho mỗi thư viện, cũng chỉ đủ mua sách, chứ không có để thực hiện các hoạt động khác.

Tại các điểm tại bưu điện văn hóa xã, thư viện xã, các điểm văn hóa, hiệu quả công tác này vẫn còn thấp. Chẳng hạn, tủ sách ở phường Cam Phúc Bắc (TP. Cam Ranh) được đặt trong UBND phường nên lượng độc giả cũng ít. Điểm luân chuyển sách tại 5 bưu điện văn hóa xã: Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm), Khánh Bình, Khánh Hiệp, Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh), Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn) thì nhân sự điểm bưu điện luôn thay đổi. Thời gian mở cửa phục vụ nhu cầu đọc sách báo của người dân rất ít. “Để giải quyết những khó khăn trên và đưa hoạt động luân chuyển sách ngày càng phát triển, chúng tôi mong muốn các sở, ngành liên quan có chính sách phù hợp đối với cán bộ thư viện trường học. Các trường học cần được ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất, không gian thư viện và bổ sung sách nguồn sách hàng năm. Các địa phương nên có những chính sách hỗ trợ cho cán bộ kiêm nhiệm làm công tác thư viện”, ông Nguyễn Châu Hùng cho biết.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202002/dua-sach-ve-co-so-8149014/