Đưa sản phẩm chăn nuôi Việt xuất ngoại

Công ty TNHH Sản xuất thương mại VINAEGG (trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà máy sản xuất chính ở xã Phú Lộc, huyện Tân Phú) là một trong số ít doanh nghiệp (DN) chế biến sản phẩm trứng cút ăn liền thanh trùng, tiệt trùng với quy mô lớn, công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm của DN đã xuất khẩu vào các thị trường: Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu.

Anh Ngô Minh Tuyên và chị Lê Thị Mỹ Duyên, chủ Công ty TNHH Sản xuất thương mại VINAEGG (Thành phố Hồ Chí Minh), giới thiệu sản phẩm trứng ăn liền thanh trùng đạt chuẩn xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên

Anh Ngô Minh Tuyên và chị Lê Thị Mỹ Duyên, chủ Công ty TNHH Sản xuất thương mại VINAEGG (Thành phố Hồ Chí Minh), giới thiệu sản phẩm trứng ăn liền thanh trùng đạt chuẩn xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên

Chủ DN là đôi vợ chồng trẻ Ngô Minh Tuyên - Lê Thị Mỹ Duyên, khởi nghiệp từ thời sinh viên với đôi bàn tay trắng. Đến nay, họ đã mở rộng được 3 chi nhánh công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Làm chủ công nghệ cao

Từ thời còn là sinh viên ngành cơ khí, anh Ngô Minh Tuyên đã đam mê nghiên cứu, chế tạo các loại máy móc. Tình cờ thấy một cơ sở làm bánh tốn rất nhiều công bóc vỏ trứng cút vì máy bóc trứng tự động nhập khẩu có giá rất cao, điều kiện của Việt Nam không dễ tiếp cận. Chàng sinh viên cơ khí này đã tìm tòi nghiên cứu chế tạo ra máy bóc vỏ trứng cút và lập xưởng cơ khí để sản xuất loại máy móc mà thị trường đang cần.

Anh Tuyên kể: “Thời đó, máy bóc vỏ trứng tôi cung cấp ra thị trường có quy mô nhỏ với công suất bóc vỏ được khoảng 5 ngàn trứng/giờ. Rất nhiều khách hàng đặt mua nhưng họ gặp khó khăn trong vận hành vì không rành về máy móc nên đặt vấn đề muốn mua sản phẩm trứng cút đã bóc vỏ”.

Theo anh Ngô Minh Tuyên, chủ Công ty TNHH Sản xuất thương mại VINAEGG, chim cút đẻ trứng chỉ nuôi được ở một số nước Đông Nam Á nên sản phẩm này bán ra với giá rất cao tại các nước phát triển. Chính vì vậy, chế biến trứng cút xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao.

Từ nhu cầu thực tế của thị trường, chàng sinh viên trẻ Ngô Minh Tuyên không ngừng nghiên cứu, cải tiến để chế tạo ra máy bóc vỏ trứng có công suất lớn. Anh quen và lập gia đình với chị Lê Thị Mỹ Duyên, học ngành công nghệ thực phẩm nên sau khi tốt nghiệp đại học, họ quyết định thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại VINAEGG, chuyên sản xuất trứng cút ăn liền. Nhu cầu của thị trường về dòng sản phẩm này rất lớn nên DN không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và mở thêm các chi nhánh ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Năm 2022, vợ chồng anh Tuyên bỏ vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất trứng với dây chuyền chế biến 90% là máy móc tự động, công suất thiết kế chế biến khoảng 1 triệu quả trứng/ngày tại xã Phú Lộc, huyện Tân Phú. Vợ chồng anh đã không ngại đổ vốn lớn đầu tư những máy móc với công nghệ hiện đại nhất hiện nay với mục tiêu làm ra sản phẩm trứng cút ăn liền tươi ngon và an toàn nhất về chất lượng.

Theo chị Lê Thị Mỹ Duyên: “Chúng tôi sử dụng công nghệ thanh trùng, tiệt trùng để giữ được độ tươi ngon nhất của quả trứng mà không sử dụng chất bảo quản. Đầu tư trong lĩnh vực này không chỉ đòi hỏi nguồn vốn lớn mà người làm phải có kiến thức chuyên môn cao. Đây cũng là lợi thế chúng tôi có”.

Điều ấn tượng là đa số các máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất của nhà máy, đặc biệt là hệ thống máy bóc vỏ trứng hoàn toàn do anh Tuyên tự thiết kế, chế tạo với chi phí đầu tư rẻ hơn nhiều so với máy móc nhập khẩu từ nước ngoài.

Anh Tuyên so sánh: “Nếu sử dụng dây chuyền máy móc nhập khẩu, mình không chủ động được công nghệ nên phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, khiến chi phí vận hành, sửa chữa thường rất cao. Khi chủ động được công nghệ, nhà sản xuất sẽ giảm được chi phí khấu hao rất lớn”.

Xuất khẩu vào thị trường khó tính

Theo anh Tuyên, thị trường quốc tế là sân chơi rất rộng, rất sòng phẳng nên muốn tham gia vào thị trường này phải làm theo tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, DN đã xây dựng chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Về vùng nguyên liệu, DN đã liên kết, bao tiêu sản phẩm cho 12 trang trại nuôi chim cút theo quy trình VietGAP, hướng tới sẽ nâng cấp theo chuẩn GlobalGAP. Đặc biệt, DN tự đầu tư trang trại nuôi chim cút với quy mô 80 ngàn con, sử dụng thức ăn là trứng cá tuyết, đặc biệt không sử dụng thuốc kháng sinh để đảm bảo đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính.

Hiện DN đầu tư thêm trại nuôi công nghệ cao hoàn toàn tự động với quy mô 100 ngàn con, đạt chuẩn organic để xuất khẩu vào những thị trường khó tính với phân khúc khách hàng cao cấp hơn.

Anh Tuyên khẳng định: “Tôi đặt tên DN với ý nghĩa là trứng Việt với mong muốn đại diện cho ngành công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vươn tầm ra thế giới”.

Trứng cút tươi vừa thu hoạch từ trại nuôi được đưa về nhà máy chế biến, từ các khâu luộc, bóc vỏ trứng và đóng gói tuân theo nguyên tắc không quá 15 phút trước khi đưa sản phẩm vào tiệt trùng để hạn chế quy trình nhân đôi của vi khuẩn. Nhưng khâu tiệt trùng phải mất đến 1 giờ 30 phút để đảm bảo độ an toàn tuyệt đối của sản phẩm.

Quy trình chế biến của nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế FSSC 22000 với những quy định rất chặt, kiểm soát từ quy trình nuôi, đầu tư cơ sở vật chất đến sản xuất, mối nguy có thể xuất hiện và cách kiểm soát, phòng vệ chống gian lận, an ninh hàng hóa...

Trứng cút được đưa vào hệ thống máy tiệt trùng.

Trứng cút được đưa vào hệ thống máy tiệt trùng.

Chị Lê Thị Mỹ Duyên cho biết, chỉ tính riêng hồ sơ của tiêu chuẩn này cũng đủ chất đầy căn phòng rộng 20m2. Tiêu chuẩn FSSC 22000 là tiêu chuẩn sống, nghĩa là duy trì nó hàng ngày và 24/24 chứ không chỉ trong mỗi đợt đánh giá. Đây là tiêu chuẩn quốc tế gần như cao nhất hiện nay, được các thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ… chấp nhận.

Hiện công suất của nhà máy mới chỉ đạt khoảng 300 ngàn trứng/ngày. Trong đó, xuất khẩu chiếm khoảng 30% sản lượng, thị trường tiêu thụ chính của DN vẫn là nội địa. Thế mạnh cạnh tranh lớn nhất của DN là đạt tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Nhờ xây dựng quy trình sản xuất từ trang trại đến bàn ăn, giảm được các khâu trung gian nên có giá rất cạnh tranh, sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng bình dân trong nước. Chính vì vậy, DN đang tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng thương hiệu để mở rộng kênh tiêu thụ với mong muốn người tiêu dùng trong nước biết đến và sử dụng phổ biến sản phẩm này.

Anh Tuyên cho rằng: “Việt Nam đang hội nhập, con người càng ngày càng bận rộn nên có nhu cầu lớn sử dụng các sản phẩm tiện lợi. Chúng tôi đầu tư đón đầu để đáp ứng tốt nhu cầu này”.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/trang-dia-phuong/202406/dua-san-pham-chan-nuoi-viet-xuat-ngoai-9e74c8a/