Đưa sản phẩm nông nghiệp hướng tới thị trường Hà Nội - chất lượng là chìa khóa
Thực hiện Đề án 'Phát triển sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025', tỉnh đã xác định thành phố Hà Nội là thị trường chính tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ, nông sản chất lượng cao. Trong đó, tỉnh đóng vai trò là vùng cung cấp, Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn, ổn định.
Sản phẩm cam Cao Phong được bày bán tại siêu thị Big C (Hà Nội).
Sau một thời gian tích cực thực hiện các ký kết, biên bản ghi nhớ, cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp thúc đẩy tổ chức các chương trình sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm như: Chương trình "Tuần lễ nông sản Hòa Bình”; lễ hội cam Cao Phong; lễ hội cây có múi; hội nghị xúc tiến thương mại và liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại Hòa Bình; hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa với thành phố Hà Nội... Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 5 chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm nông sản, gồm các chuỗi sản xuất - tiêu thụ: rau hữu cơ, rau an toàn, thịt lợn, thịt lợn hữu cơ, cá sông Đà, chuyên cung cấp các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh như rau an toàn, cá sông Đà, thịt lợn hữu cơ, cam Cao Phong... tới thị trường Hà Nội.
Lấy chất lượng làm chìa khóa để phát triển thị trường cho nông sản, thời gian qua, các địa phương đã tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ. Nhờ vậy, đến nay, tỉnh đang có nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản được đánh giá cao về chất lượng và lợi thế cạnh tranh. Như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, nhãn Sơn Thủy, rau su su Quyết Chiến, rau hữu cơ Lương Sơn, hạt dổi Lạc Sơn, mía tím, mật ong, cá lòng hồ sông Đà... Đó là những nông sản chủ lực, được sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị gia tăng, được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và lưu thông trên thị trường với bao bì, nhãn mác đáng tin cậy. Trong 3 năm gần đây, kết quả kiểm tra, giám sát mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản cho thấy, các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều đảm bảo tốt các tiêu chí về an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chưa phát hiện mẫu thủy sản nào có dư lượng kháng sinh cấm, các chất cấm salbutamol và cysteamine đều không có trong sản phẩm thịt lợn, 100% sản phẩm chủ lực nằm trong chuỗi giá trị của tỉnh đảm bảo an toàn.
Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hiện, tỉnh có nhiều loại nông sản chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và sẵn sàng vươn tới các thị trường lớn. Vấn đề còn lại là cần khai thác hiệu quả các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó, cần chú trọng thu hút sự tham gia của doanh nghiệp để hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó đặt cầu nối cung ứng sản phẩm của Hòa Bình đến các thị trường tiềm năng như Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận.
Để thực hiện mục tiêu này, từ năm 2017, Sở NN&PTNT tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đối với thị trường Hà Nội. Qua quá trình xúc tiến thương mại, hai bên từng bước xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác, bước đầu hình thành được một số chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm của tỉnh tới một số doanh nghiệp, nhà hàng tại Hà Nội như chuỗi rau hữu cơ Lương Sơn kết nối với 3 đối tác doanh nghiệp là: Công ty TNHH Tâm Đạt, Tràng An và Vinagap; chuỗi su su Quyết Chiến cung cấp cho hệ thống các siêu thị Fivimart của Công ty CP Nhất Nam, hệ thống cửa hàng của Công ty thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam và cung cấp cho chợ đầu mối Long Biên để vào thị trường Hà Nội; chuỗi cá sông Đà do Công ty TNHH Cường Thịnh cung cấp cho Công ty An Việt...
Cùng với đó, "phía Hà Nội cũng có nhiều hỗ trợ tỉnh như việc giới thiệu, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Nội đến nghiên cứu, khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Hòa Bình” - đồng chí Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, có 24 doanh nghiệp trụ sở tại thành phố Hà Nội đã thực hiện đầu tư 29 dự án. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng hoặc ký biên bản ghi nhớ với tỉnh để thực hiện 16 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, trên 2.000 lượt doanh nghiệp của Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp, đại lý tại tỉnh thực hiện các chương trình giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm mới; các hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại được tăng cường, đẩy mạnh. Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng tích cực hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, như Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam EXPO, Hội chợ đặc sản vùng miền... trưng bày, giới thiệu cam Cao Phong, bưởi, mật ong, rượu cần, nông sản, sản phẩm thổ cẩm...
Để kiểm soát nguồn hàng đảm bảo an toàn thực phẩm, lực lượng Quản lý thị trường của tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội triển khai thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Thành lập, duy trì hoạt động 24/24h đối với chốt kiểm dịch động vật tại các khu vực giáp ranh với thành phố Hà Nội. Kiểm soát tốt các hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm của gia súc, gia cầm. Ngành Nông nghiệp hai địa phương thường xuyên trao đổi thông tin về sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, các doanh nghiệp tham gia chuỗi và đủ điều kiện an toàn thực phẩm, lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm tại nơi sản xuất (tỉnh Hòa Bình) và nơi tiêu thụ (thành phố Hà Nội). Đảm bảo không có sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho thị trường Hà Nội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Thu Trang