Đưa sản phẩm OCOP vươn ra thị trường thế giới
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan mở rộng các hình thức xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP tiềm năng xuất khẩu tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, thu mua chế biến… trong nước và quốc tế.
Bánh dừa nướng Đà Nẵng thâm nhập thị trường nhiều nước
Giữa tháng 7/2023, bà Mai Thị Ý Nhi - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chia sẻ, vừa ký kết thành công đơn hàng xuất khẩu bánh dừa nướng mè mang thương hiệu Mỹ Phương sang Mông Cổ.
Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, đây là đơn hàng thực phẩm và là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đầu tiên của TP Đà Nẵng xuất khẩu đi Mông Cổ, mở ra triển vọng gia tăng kim ngạch xuất khẩu với thị trường còn nhiều tiềm năng này.
Mỹ Phương Food hiện cũng là đơn vị duy nhất tại Đà Nẵng được chính quyền TP đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia xem xét, công nhận phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm bánh dừa nướng mè Mỹ Phương.
“Container bánh dừa nướng Mỹ Phương đầu tiên đã lên đường sang Mông Cổ. Đây mới là đơn hàng “dò đường”. Tuy nhiên, với những thành công trong việc tiếp cận nhiều thị trường lớn trên thế giới trong thời gian qua, chúng tôi tin tưởng sản phẩm của mình sẽ được người tiêu dùng Mông Cổ chấp nhận”, bà Mai Thị Ý Nhi nói.
Trước đó, hồi tháng 3/2023, công ty Mỹ Phương Food cũng đã mở đường đưa bánh dừa nướng sang thị trường Trung Quốc. Mặc dù là lần đầu tiên một sản phẩm OCOP của Đà Nẵng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng chuyến “mở hàng” đã đưa được tới 7 container (loại 20 feet) bánh dừa nướng Mỹ Phương Food vào thị trường lớn này.
Bà Mai Thị Ý Nhi chia sẻ, đó cũng là lô hàng thăm dò tín hiệu thị trường, mang theo kỳ vọng mở ra thêm cơ hội cho sản phẩm của đơn vị tiếp cận thị trường Trung Quốc. Và từ đó đến nay, các lô hàng bánh dừa nướng Mỹ Phương xuất sang thị trường tỷ dân này vẫn tiếp tục được duy trì và gia tăng đều đặn qua từng tháng.
Ngoài hai thị trường mới là Trung Quốc và Mông Cổ, qua 6 năm hoạt động, hiện sản phẩm bánh dừa nướng mè của Công ty TNHH Mỹ Phương Food đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Lào, tất cả đều theo đường chính ngạch.
Đáng chú ý, đơn vị đã tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản khi xuất hàng đi thị trường Nhật Bản. Và không dừng lại, nữ doanh nhân Mai Thị Ý Nhi cho biết, đang tiếp cận được một đối tác tiềm năng có hệ thống 80 siêu thị tại Ấn Độ. Đồng thời, đơn vị được Bộ Công Thương, Sở Công Thương Đà Nẵng hỗ trợ quảng bá sản phẩm tại Thái Lan.
Bà Mai Thị Ý Nhi cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh sức mua của thị trường trong nước và quốc tế có chiều hướng chững lại, ngoài khai thác thị trường nội địa phục vụ du lịch, xuất khẩu cho các đối tác truyền thống ở Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… thì doanh nghiệp (DN) đang chú trọng tìm kiếm thêm đối tác mới.
“Chúng tôi tìm kiếm, khai thác đối tác mới ngay cả ở các thị trường truyền thống của mình. Điển hình như chúng tôi đã ký kết và vừa xuất cảng 1 container hàng sang Hàn Quốc cho một đối tác kinh doanh mới. Bên cạnh đó, tiếp tục tìm kiếm cơ hội để “chinh phục” các thị trường mới, tiềm năng”, bà Mai Thị Ý Nhi nói.
Sự tiếp sức của ngành công thương
Trong quá trình đưa sản phẩm bánh dừa nướng vươn ra thị trường thế giới, Mỹ Phương Food nhận được sự hỗ trợ, kết nối rất hiệu quả của Sở Công Thương Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM - Bộ Công Thương) trong việc quảng bá sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Qua 6 năm hoạt động, nhất là sau khi có sản phẩm bánh dừa được công nhận OCOP 4 sao, chúng tôi được tham gia nhiều sự kiện XTTM, chương trình kết nối giao thương do Sở Công Thương Đà Nẵng và Cục XTTM tổ chức. Nhờ vậy công ty đã kết nối được với các nhà phân phối, ngày càng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu”, bà Mai Thị Ý Nhi cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam, tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục biến động khó lường, lạm phát đang tiếp diễn ở nhiều quốc gia lớn khiến nhu cầu thị trường giảm mạnh, các DN xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng.
Do vậy, TP Đà Nẵng đã và đang phối hợp tích cực với Bộ Công Thương tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương, XTTM giữa các nhà cung cấp trên địa bàn TP và miền Trung - Tây Nguyên với các DN xuất khẩu, tổ chức XTTM trong nước và quốc tế. Qua đó góp phần hỗ trợ tích cực cho các DN tìm được cơ hội hợp tác, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm thông qua hệ thống phân phối của nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trước tình hình chung trên thế giới đang có nhiều khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh XTTM hỗ trợ phát triển thị trường cả ở trong nước và quốc tế cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương.
Trong đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục XTTM phối hợp với các cơ quan, tổ chức, DN liên quan mở rộng các hình thức XTTM để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của miền Trung – Tây Nguyên tới các cơ quan XTTM quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế.
“Những nỗ lực đó đã giúp tạo ra sự kết nối giữa DN miền Trung – Tây Nguyên với các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng, góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, duy trì ổn định kinh tế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.