Đưa sản phẩm Việt vươn ra thị trường thế giới
Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê nhà, năm 2019, anh Nguyễn Đức Chung, xã Hợp Lý (Lập Thạch) đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc sản xuất gỗ ghép (ván ghép) thanh xuất khẩu. Đến nay, cơ sở sản xuất của anh Chung không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 30 lao động tại địa phương mà còn góp phần đưa sản phẩm của mình vươn ra thị trường thế giới, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Sau nhiều lần tìm hiểu và học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi trở về quê, nhận thấy lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương về nguồn nguyên liệu, anh Chung đã bàn bạc với gia đình, quyết định mở xưởng chế biến gỗ. "Vạn sự khởi đầu nan”, năm đầu tiên, do thiếu vốn, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ hẹp, khiến cơ sở sản xuất chịu không ít áp lực. Đến năm thứ 2 (năm 2020), Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trên cả nước có ca dương tính với Covid-19, việc đi lại giữa các tỉnh, thành phố để giao hàng, nhập nguyên vật liệu gặp nhiều trở ngại.
Việc áp mã HS đối với mặt hàng gỗ ghép thanh xuất khẩu khó khăn, dẫn đến sản phẩm gỗ ghép thanh bị ùn tắc, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SXKD. Quyết tâm vượt khó, trong thời gian này, anh Chung luôn chắt chiu chất lượng từng sản phẩm. Nguồn nguyên liệu đầu vào được nhập tận gốc và tuyển chọn rất cẩn thận; quá trình sản xuất, anh luôn quán triệt công nhân thấy có thanh gỗ bị lỗi, cong vênh phải loại ngay....
Nhờ đó, thành phẩm gỗ ghép thanh của gia đình anh Chung ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và đáng giá cao. Trung bình 1 tháng, cơ sở sản xuất được 250 m3 gỗ ghép thành phẩm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu (khoảng 80%), còn lại phân phối tại một số tỉnh, thành phố trong nước. Hiên nay, xưởng sản xuất không chỉ đem lại lợi nhuận cho gia đình mà còn tạo việc làm cho gần 30 lao động tại địa phương với mức thu nhập 6 -10 triệu đồng/người/tháng.
Theo anh Chung, nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có từ khai thác rừng trồng như: Keo, thông, mỡ, xoan, tận dụng được cả những thân cây có đường kính nhỏ hoặc gỗ thừa từ các cơ sở chế biến gỗ lớn nên các sản phẩm từ gỗ ghép thanh có giá thành rất hợp lý, thấp hơn nhiều so với gỗ tự nhiên nguyên khối.
Bề mặt đã qua xử lý nên có độ bền màu tốt, có khả năng chịu va đập và chống xước cao, không bị mối mọt, không bị cong vênh, co rút mà mẫu mã lại đa dạng, phong phú. Vì vậy, gỗ ghép thanh được dùng rộng rãi trong sản xuất đồ mộc dân dụng, trang trí nội thất, quà lưu niệm, ốp trần, sàn nhà…
Trong điều kiện nguồn gỗ tự nhiên ngày càng cạn kiện, để phục vụ đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng đồ gỗ nội thất ngày càng lớn và đa dạng của người tiêu dùng trong nước và thế giới, xưởng sản xuất của gia đình anh Chung sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ bằng cách đầu tư thêm máy móc hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động SXKD, xây dựng các website giới thiệu, quảng bá, chăm sóc khách hàng.
Bên cạnh đó, anh Chung cũng mong muốn các cấp, các ngành chức năng ban hành thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến, hỗ trợ xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển lâm nghiệp của tỉnh, mở ra hướng phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường.