Đưa tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng
Những ngày qua, cộng đồng fan hâm mộ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và công chúng yêu điện ảnh Việt nhắc nhiều tới tác phẩm 'Ngày xưa có một chuyện tình'. Nhắc, là bởi bộ phim điện ảnh cùng tên chuyển thể từ cuốn truyện dài 'Ngày xưa có một chuyện tình' của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chính thức ra rạp từ ngày 1/11.
Bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” được đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (sinh năm 1986) cùng ê kíp thực hiện, với nhiều cảnh quay đẹp tại tỉnh Phú Yên. Chuyện phim đưa người xem trở về miền Trung thập niên 1980 - 1990, theo chân bộ ba nhân vật Miền (Ngọc Xuân), Vinh (Avin Lu), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành...
Về cơ duyên chuyển thể “Ngày xưa có một chuyện tình”, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết câu chuyện tình yêu không bao giờ cũ, luôn mang giá trị bền vững, cho dù ở thập niên 1990, 2000 hay bây giờ. Điểm đặc biệt của phim là tình bạn, chính yếu tố này giúp các nhân vật đưa ra quyết định quan trọng trong những thời khắc mấu chốt. Đây là điểm đặc trưng của “Ngày xưa có một chuyện tình”. "Khi chọn chuyển thể các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi nhận thấy chúng thường có mô típ khá chung chung về những mối tình đơn phương. Tôi nghĩ bất kỳ bản chuyển thể nào sau này cũng sẽ đi theo hướng đó, vì chúng ta đang bước vào vũ trụ văn học của Nguyễn Nhật Ánh", đạo diễn chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: “Ngày xưa có một chuyện tình” là một quyển sách ăn khách nhưng cũng được cho là khó chuyển thể, bởi vì trong truyện, ba nhân vật có ba góc nhìn khác nhau. Việc hiểu rõ nhân vật và đảm bảo có những góc nhìn đa chiều trên phim là một thách thức lớn.
Cũng xin được nói ngay rằng, cuốn sách “Ngày xưa có một chuyện tình” là một trong những tựa sách best-seller (bán chạy nhất) của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Sách ra mắt bạn đọc từ năm 2016, đến nay đã tái bản 19 lần với khoảng 180.000 bản sách đã in. Câu chuyện tình tay ba giữa Vinh - Phúc - Miền ở miền quê thanh bình đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nay đã lên màn ảnh rộng với sự chuyển thể của biên kịch Nhi Bùi và Đỗ Hoa Trà. Theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh tiết lộ, phim có một số thay đổi so với cốt truyện, chủ yếu vì ngôn ngữ văn học có rất nhiều tự sự nội tâm mà đối với điện ảnh là hình thức nghe - nhìn nên mọi thứ phải thể hiện bằng sự kiện. Nhân vật phải hành động thay vì chỉ suy nghĩ và tự vấn bản thân như trong truyện. “Điểm khó nhất của một phim chuyển thể từ văn học là phải làm sao để dung hòa giữa cái có sẵn trong tác phẩm như chủ đề, nhân vật, sự kiện chính. Những điều nhà văn có thể viết rất hay về suy tưởng, nội tâm của nhân vật, khi đọc thì nhân vật hiện ra, len sâu vào đầu óc mọi người theo sự tưởng tượng riêng. Những điều đó trên phim phải thể hiện rất rõ bằng hành động, hình ảnh”, đạo diễn chia sẻ.
Ngay từ khi dự án phim vừa được công bố, bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” đã nhận được sự quan tâm từ đông đảo khán giả, trong đó có cộng đồng fan hâm mộ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Mặc dù đã có nhiều tác phẩm được chọn làm phim, nhưng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không tham gia vào các “quy trình” sản xuất phim. Ông quan niệm cái nhìn của đạo diễn là quan trọng nhất, bởi vậy đạo diễn là người sẽ chọn diễn viên, chọn âm nhạc, chọn bối cảnh, và nhất là cách kể câu chuyện.
Đứng trước những lựa chọn về tình yêu và tình bạn, sự giằng xé trong nội tâm giữa nhân vật trở nên cao trào và được thể hiện rõ nét thông qua cách kể chuyện từ 3 góc nhìn của 3 nhân vật chính.
Diễn viên Avin Lu cho rằng, anh vẫn phải đào sâu lại những cái ký ức cảm xúc của mình thời đi học, kết nối được với lại nhân vật của mình nhưng mà ở thời nhỏ, các bạn diễn viên nhí.
Còn diễn viên Ngọc Xuân tiết lộ để thể hiện một nhân vật có chiều sâu tâm tư tình cảm rất nhiều nhưng lại ít nói, cô đã đọc đi đọc lại sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, xong rồi viết nhật ký cho Miền.
Được xem bộ phim ở suất chiếu sớm, người viết nhận thấy bối cảnh làng quê thanh bình, giản dị ở Phú Yên có thể nói là điểm nhấn trong bộ phim lần này. Sau “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, thì “Ngày xưa có một chuyện tình” có thể sẽ tiếp tục giúp cho ngành du lịch của Phú Yên hút khách du lịch trong thời gian tới.
Ê kíp làm phim đã rất tâm huyết về việc chọn bối cảnh cho phim, dừng lại ở Phú Yên bởi nơi đây lưu giữ được rất là nhiều những ngôi nhà cổ không chỉ nằm riêng lẻ. Đó là hệ thống các ngôi làng. Phú Yên đã truyền cảm hứng cho đoàn phim rất nhiều, từ con người, cảnh quan và cả cảnh thiên nhiên.
Cùng với sự góp mặt của ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh trong những ca khúc nhạc phim, bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” được kỳ vọng sẽ mang đến không khí tình yêu trong trẻo gần gũi với nhịp điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, nhưng không kém phần day dứt vào cuối năm nay.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết trước khi bấm máy, ê kíp dành nhiều tháng khảo sát các bối cảnh, tìm những góc của miền Trung giữ lại được không khí đặc trưng của những năm 1990 đến đầu 2000. "Sau cùng, chúng tôi nhận ra chỉ có Phú Yên mới mang lại cảm giác hoài niệm đúng như tên phim", đạo diễn chia sẻ.
Ê kíp đầu tư khâu mỹ thuật để khắc họa cuộc sống nông thôn. Cảnh học sinh đạp xe đi học trong mùa lũ ghi hình tại xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa. Đạo diễn chọn những ngôi làng đồng nhất về mặt kiến trúc, khắc họa đại cảnh nhóm nhân vật vui đùa bên ruộng lúa chín, dưới ánh hoàng hôn.
Khi được hỏi, đã có 3 bộ phim chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trước đó là "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Cô gái đến từ hôm qua" và "Mắt biếc" và cả 3 phim đều giữ nguyên tên tác phẩm văn học làm tên phim và đều rất thành công, vậy khi làm “Ngày xưa có một chuyện tình” anh có lo lắng khi tác phẩm của mình sẽ bị đem ra so sánh? Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ, truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường có mô típ quen thuộc về những mối tình trong sáng, với hình ảnh những chàng trai lớn lên mang trong mình tình yêu không được đáp lại. Dù vậy, những câu chuyện này vẫn mang tính kinh điển, bởi tình yêu - đặc biệt là tình tay ba hoặc tình yêu đơn phương - luôn là đề tài muôn thuở. Dù là tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh hay một kịch bản gốc, tôi không ngại chuyển thể một câu chuyện khác của ông cho dự án tương lai, bởi kho tàng truyện của Nguyễn Nhật Ánh rất phong phú về mặt tâm lý nhân vật. Đây là điều đặc biệt ở các tác phẩm của ông mà chúng ta nên trân trọng và không ngại lặp lại. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đều có những điểm riêng. Như trong "Ngày xưa có một chuyện tình", tác phẩm này mang đến cái nhìn về nhân vật ở độ tuổi trưởng thành, cho thấy họ phải đưa ra những quyết định quan trọng. Đặc biệt, nhân vật nữ lần này không chỉ là đối tượng được yêu, được ngắm nhìn từ nhân vật nam mà cô ấy có những lựa chọn và quyết định của riêng mình. Đây là điều tôi rất trân trọng...
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dua-tac-pham-van-hoc-len-man-anh-rong-157420.html