Đưa thiết bị từ ngoài vào để chữa trị cho bệnh nhân tại bệnh viện Đức Giang
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), thừa nhận có việc bệnh nhân thuê máy dùng để chữa bệnh sỏi thận từ bên ngoài, người thực hiện chuyên môn với máy để chữa bệnh cho bệnh nhân là các y, bác sĩ đang công tác tại bệnh viện.
Tuy nhiên, đơn vị cũng khẳng định, bệnh viện Đức Giang “không có chủ trương” và “không có liên kết hợp tác” gì đối với đơn vị cho thuê máy móc, thiết bị phục vụ bệnh nhân.
Gần đây, bạn đọc phản ánh về việc trong quá trình bệnh nhân điều trị tại Khoa ngoại thận tiết niệu - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có nhiều vấn đề chưa minh bạch về việc thu chi và nguồn gốc xuất xứ của chiếc máy (gọi là máy tán sỏi thận) khi chữa trị cho bệnh nhân.
Cụ thể, bệnh nhân điều trị sỏi thận bệnh viện đã được bác sĩ của Khoa tư vấn sử dụng phương án thuê máy bắn sỏi tại khoa, giá trị thuê 1 ca khoảng gần 30 phút là 5 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền thuê máy lại được chuyển khoản vào tài khoản cá nhân mang tên bà Đ.T.T. Sau khi kết thúc điều trị và xuất viện trong hóa đơn thanh toán của bệnh viện cũng không có phần kê khai khoản thu này.
Từ những sự việc trên, bệnh nhân cho rằng, việc thu chi tài chính của bệnh viện có dấu hiệu không rõ ràng, chưa minh bạch. Số tiền thu, nhưng không có trong hóa đơn, có được thu về bệnh viện, hay đã đi đâu, sử dụng vào việc gì (?).
Đáng nói hơn, nhiều bệnh nhân tỏ ra lo lắng về nguồn gốc của chiếc máy được khoa Ngoại thận tiết niệu sử dụng để chữa trị tán sỏi. Máy đã được cấp phép sử dụng trên bệnh nhân hay chưa, đã được kiểm định độ an toàn, nguồn gốc xuất xứ ra sao?
Để rộng đường dư luận, Phóng viên đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tại buổi làm việc, Bác sĩ chuyên khoa I Trần Anh Long – Thanh tra nhân dân cho biết, có việc bệnh nhân phản ánh và đã tiến hành họp báo trả lời vấn đề này trước đây.
Bác sĩ Long chia sẻ: “Hiện nay, tại bệnh viện Đức Giang đang có 3 phương pháp điều trị bệnh sỏi thận gồm, mổ mở, mổ nội soi và tán sỏi qua ống cứng. Đối với phương pháp tán sỏi bằng lazer thì do còn nhiều quy định nên phía bệnh viện chưa mua được máy. Việc bệnh nhân thăm khám tại bệnh viện sẽ được các y, bác sĩ tại đây tư vấn các phương pháp phù hợp, bệnh nhân được quyền lựa chọn phương pháp điều trị, tất cả chúng tôi đều có ký cam kết…”.
Theo bác sĩ Long: “Về nguồn gốc máy, sau phản ánh, chúng tôi cũng rất cẩn thận cho rà soát kiểm tra lại cụ thể. Bệnh viện yêu cầu các anh (bác sĩ công tác tại BV Đức Giang – PV) chỉ cho bệnh nhân mang thiết bị tới viện khi toàn bộ giấy tờ đảm bảo tính pháp lý, đủ điều kiện thì họ được mang sang. Chính các bác sĩ ở đấy và bệnh nhân đã biết và kiểm tra giấy tờ pháp lý của các máy móc thiết bị đó”.
Ngoài ra, bác sĩ Long cũng thừa nhận có việc bệnh nhân thuê máy dùng để chữa bệnh sỏi thận từ bên ngoài, người thực hiện chuyên môn với máy để chữa bệnh cho bệnh nhân là các y, bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Cũng theo thông tin từ vị đại diện bệnh viện này: “Bệnh viện “không có chủ trương” và đó là nhu cầu của bệnh nhân. Trong quá trình các bác sĩ đi học tại các tuyến trên biết sử dụng thì các bác sĩ đồng ý để cho bệnh nhân thuê máy đó về bệnh viện để các bác sĩ làm theo nhu cầu của bệnh nhân”.
Bà Phan Thị Nguyệt Minh - Trưởng phòng công tác xã hội (BV Đa khoa Đức Giang) có ý kiến cho rằng: “Trong biên bản làm việc giữa bệnh viện và các báo khác có câu là, việc kết nối thuê máy để bệnh nhân có thể sớm điều trị được bệnh, hoàn toàn mang ý nghĩa chuyên môn không có bất cứ sự vụ lợi nào từ việc thuê máy, nhân viên bệnh viện không thu tiền mà bệnh nhân trực tiếp thanh toán cho đơn vị cho thuê máy. Nghĩa là nhân viên của bệnh viện chỉ thực hiện chuyên môn”.
Tại buổi làm việc này, Bệnh viện Đức Giang thông tin, đã có 50 bệnh nhân chữa bệnh khỏi thành công nhờ sử dụng chiếc máy tán sỏi thận trên. Nếu theo thông tin các bác sĩ tại bệnh viện Đức Giang cung cấp, mỗi trường hợp bệnh nhân làm với máy tán sỏi là 30 phút. Vậy với 50 bệnh nhân đã sử dụng phương pháp với chiếc máy trên, các y bác sĩ đã thực hiện chuyên môn bằng máy móc, thiết bị bên ngoài mang vào viện là 1.500 phút.
Việc sử dụng 1.500 phút đó để thực hiện phương pháp bằng một thiết bị bên ngoài mà phía bệnh viện cho rằng “không có chủ trương” và “không có liên kết hợp tác” cho bệnh nhân thì liệu có được coi là đúng quy định?.
Nhiều ý kiến bệnh nhân cho rằng, đây là khoảng thời gian các y bác sĩ trên đã thực hiện "việc riêng" khi đang trong thời gian làm việc tại bệnh viện. Hơn nữa tại sao khi “không có chủ trương”, “không liên kết hợp tác” thì bằng cách thức nào những chiếc máy trên lại được “tuồn” vào đây, ai đã cho phép bệnh nhân mang máy vào viện?
Cũng theo như bác sĩ Long nói ở trên, việc chỉ có các y bác sĩ tại bệnh viện này kiểm tra giấy tờ, tính pháp lý của máy móc thiết bị liệu có đúng quy định pháp luật? Làm sao để đảm bảo được các thiết bị trên đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đủ an toàn để sử dụng trên bệnh nhân? Đơn vị bên ngoài cung cấp máy móc thiết bị kia là đơn vị nào? Việc các y bác sĩ thực hiện thao tác trên thiết bị tán sỏi được thuê từ bên ngoài vào dùng để chữa trị cho bệnh nhân, tại thời điểm bệnh nhân ở trong bệnh viện thì dựa trên quy định nào và có được phép không?
Để tìm hiểu thêm thông tin, PV đã đặt lịch và liên hệ nhiều lần tới Sở Y tế Hà Nội. Tuy vậy, đơn vị này lại cho biết, đã chuyển nội dung Báo đề nghị tới Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trực tiếp trả lời những vấn đề còn thắc mắc.
Sau thời gian dài trôi qua, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vẫn im lặng và chưa có phản hồi cụ thể.