Đưa thổ cẩm vào thời trang

Bằng cách tạo ra các sản phẩm thời trang ứng dụng từ thổ cẩm, chị Hồ Thị Viên (làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đưa thổ cẩm vượt ra khỏi lũy tre làng, làm tăng giá trị của nghề truyền thống đồng thời truyền lửa cho làng nghề.

Chị Hồ Thị Viên (bìa trái) quyết tâm đưa thổ cẩm vào thời trang để quảng bá giá trị và gìn giữ nghề truyền thống. Ảnh: Minh Châu

Chị Hồ Thị Viên (bìa trái) quyết tâm đưa thổ cẩm vào thời trang để quảng bá giá trị và gìn giữ nghề truyền thống. Ảnh: Minh Châu

Đã có không ít tổ nhóm, làng nghề dệt thổ cẩm đã được hình thành tại nhiều ngôi làng nhưng số trụ vững rất ít, bởi vấn đề chung là không tìm được đầu ra. Với sự nhanh nhạy, quyết tâm của một người trẻ, chị Hồ Thị Viên đã tìm giải pháp hiệu quả để tổ hợp tác dệt thổ cẩm có được hướng đi riêng, tạo ra những sản phẩm thời trang sử dụng từ thổ cẩm. Đó không chỉ là những phụ kiện đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày mà có giá trị làm đẹp, mang tính văn hóa.

Câu lạc bộ (CLB) Dệt của xã Tú An do chị Viên thành lập lúc đầu chỉ có 10 thành viên, đến nay phát triển hơn 50 thành viên của 3 làng: Pơ Nang, Nhoi và Hòa Bình. Có những hội viên đã có cháu, chắt, tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng cũng có những bé gái hơn 10 tuổi.

Chị Viên cho biết, từ khi thành lập CLB, chị đã đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều mô hình để học hỏi chắt lọc nét đẹp và sự khác biệt văn hóa trên thổ cẩm của các dân tộc khác nhau. Ngoài những sản phẩm truyền thống được tạo ra từ thổ cẩm như: trang phục lễ hội, tấm đắp, tấm địu… chị Viên hướng dẫn các thành viên làm dây cột, vòng cổ, vòng tay, túi đựng điện thoại, móc khóa, khăn trải bàn, khăn quàng cổ, túi đựng laptop, iPad… với nhiều kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, kích cỡ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người sử dụng.

Chị Viên cho hay: “Khi thành lập tổ dệt này, trong đầu mình đã nghĩ đến hướng làm một gian hàng với các mặt hàng phục vụ cuộc sống thường ngày để quảng bá thổ cẩm. Mình nhận ra thế giới thời trang từ giày dép, túi xách, khăn quàng cổ… đều có thể dùng chất liệu thổ cẩm nếu mình biết tìm tòi, sáng tạo”.

Nghĩ là làm, thành viên CLB ngoài làm ra những tấm thổ cẩm với kỹ thuật dệt và tạo tác hóa văn tinh xảo còn được chị Viên hướng dẫn tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng. Đó là những chiếc túi nhỏ có thể đựng điện thoại, túi lớn hơn đựng được nhiều đồ đạc tùy mục đích sử dụng của khách hàng. Các sản phẩm có giá 80-200 ngàn đồng tùy loại.

Một sản phẩm túi xách của CLB Dệt xã Tú An. Ảnh: Minh Châu

Một sản phẩm túi xách của CLB Dệt xã Tú An. Ảnh: Minh Châu

Đây rõ ràng là cách tiếp cận khách hàng đa dạng, quảng bá thổ cẩm, giữ nghề truyến thống rất thông minh, phù hợp với xu hướng của thời đại. Góp thêm câu chuyện bên lề để thấy thổ cẩm luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống thời trang nếu có những cách tiếp cận phù hợp. Đó là thương hiệu TheMay (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) do bạn trẻ người Gia Lai Vũ Thị Thanh Vân sáng lập đã chiến thắng tại hạng mục “Thương hiệu trang sức của năm” tại SR FASHION AWARD 2020-giải thưởng tôn vinh giá trị Việt dành cho những cá nhân/thương hiệu nổi bật của thời trang Việt Nam.

Đây là thương hiệu trang sức được biết đến với thiết kế độc đáo, chế tác hoàn toàn thủ công, và đặc biệt là tập trung khai thác chất liệu dệt may truyền thống của các nghệ nhân người dân tộc thiểu số, trong đó có sản phẩm dệt của các nghệ nhân Bahnar (Gia Lai). Trang sức từ thổ cẩm của TheMay có chỗ đứng vững chắc trong giới mộ điệu thời trang trong nước và thế giới suốt nhiều năm qua.

Vân chia sẻ: “Thời trang và ẩm thực chính là phương tiện truyền bá văn hóa, niềm tự hào dân tộc, giúp một quốc gia có được sự chú ý của thế giới hiệu quả và nhanh chóng hơn bất cứ phương tiện nào”.

Nếu đang tìm kiếm cho mình một món phụ kiện đặc biệt để mặc với áo dài hay để rực rỡ hơn khi phối cùng bất kỳ trang phục nào, các phụ kiện từ thổ cẩm sẽ giúp người sử dụng cá tính hơn. Không chỉ là thời trang, là phụ kiện, thổ cẩm còn mang trên mình cả câu chuyện văn hóa được chắt lọc qua bao thăng trầm thời gian để giữ vẻ đẹp trường tồn cho đến hôm nay. Do đó, các cô gái trẻ như Hồ Thị Viên khi đưa thổ cẩm vào thời trang đã góp phần lan tỏa giá trị đặc biệt của di sản ra thế giới và giúp thổ cẩm có vị trí vững bền, nghề truyền thống vì thế không thể mai một.

MINH CHÂU

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202103/dua-tho-cam-vao-thoi-trang-5725600/