Đưa thông tin thất thiệt về dịch bệnh do virus Corona: Có thể đối diện khung hình phạt 3 năm tù
Trong khi Chính phủ, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể, cả hệ thống chính trị đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh do virus Corona gây nên, thì vẫn có những cá nhân lợi dụng dịch bệnh, đưa tin thất thiệt trên mạng xã hội.
Chỉ trong một vài ngày, đa phần các cá nhân này bị lộ diện và xử lý nghiêm.
Nhiều trường hợp bị xử lý
Ngày 2/2, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP. Đà Nẵng cho biết đã lập biên bản xử lý hai cá nhân là H.T.L. và Đ.T.Q. về việc sử dụng facebook chia sẻ thông tin không đúng sự thật liên quan đến dịch bệnh do virus Corona. Cả hai trường hợp này sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện với mức tiền phạt từ 10-15 triệu đồng. Cụ thể, ngày 27/1/2020, chị Đ.T.Q. đã sử dụng facebook cá nhân chia sẻ bài viết có nội dung: “Tại Nha Trang đã có rất nhiều người bị nhiễm virus từ khách du lịch Trung Quốc. Bộ Y tế VN vẫn giấu kín thông tin này”. Nội dung trên được Đ.T.Q. chia sẻ vào fanpage hội, nhóm Hội mua bán nhà và đất tại TP. Đà Nẵng và nhóm Bất động sản Đà Nẵng, thu hút gần 200 lượt like và hơn 150 lượt bình luận. Trước đó, ngày 23/1/2020, chị H.T.L. cũng đăng trên facebook cá nhân thông tin “Đà Nẵng phát hiện 2 ca nhiễm virus Corona - Vũ Hán”, gây ra hiều nhầm, tạo tâm lý hoang mang cho dư luận dù cho đến thời điểm này, ngành y tế thành phố xác nhận trên địa bàn chưa có trường hợp nào có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona.
Trước đó, vào chiều ngày 31/1, Công an TP. Thanh Hóa đã triệu tập Hà Thị Việt Tr., SN 1995, trú tại phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa đến cơ quan công an để làm rõ việc Tr. đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh Corona trên facebook cá nhân. Cụ thể, cơ quan công an đã xác minh, làm rõ thông tin đăng tải sai sự thật về dịch bệnh corona trên tài khoản facebook cá nhân của Hà Thị Việt Tr. Theo đó, ngày 31/1/2020, Tr. đã đăng tải lên facebook cá nhân của mình nội dung: “Đêm nay nhà nước mình phun thuốc ngừa dịch cúm corona trên bầu trời toàn quốc nên mọi người hãy chia sẻ cho nhau. Không nên ra đường trong cung giờ từ 4 - 7h30 sáng mai 1/2/2020 nếu có việc phải ra đường thì nên đeo khẩu trang”. Quá trình làm việc, Hà Thị Việt Tr. đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật của mình, gỡ bỏ bài viết trên facebook và cam kết không tái phạm. Công an TP. Thanh Hóa đã tiến hành lập biên bản vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại một số địa phương khác như: Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên,... các lực lượng chức năng cũng đã đấu tranh, tiến hành xử lý đối với những cá nhân đăng tải thông tin thất thiệt về dịch bệnh do virus Corona gây nên.
Trả giá đắt cho sự “nông nổi”
Theo Đại tá Lê Xuân Minh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), rất đáng trách khi các đối tượng nắm thông tin từ nguồn tin thiếu chính xác, nhưng đã đưa lên trang cá nhân, mạng xã hội, mục đích nhằm thu hút nhiều người xem, nhiều người theo dõi, nhằm mục đích cá nhân. Những trường hợp này, khi cơ quan chức năng xác định, xác minh và làm rõ động cơ, ý đồ, sẽ kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật.Từ những sự việc, cá nhân bị phát hiện, xử lý, có thể tạm phân loại mấy dạng, động cơ đăng tải những thông tin thất thiệt này. Thứ nhất, là những trường hợp cứ nghe tin gì là đăng, mà chẳng cần xác minh hay kiểm chứng nguồn tin. Thứ hai, đối tượng đăng tải muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng đối với trang facebook cá nhân, nôm na, muốn được “nổi tiếng”. Thứ ba, đăng tin thất thiệt để... bán được hàng. Và nguy hiểm nhất là dạng đăng tin nhằm cố tạo sự bất an trong dư luận xã hội.
Ở góc độ pháp lý, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn nhìn nhận, một số trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng... thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013, mức phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với tổ chức, 10-15 triệu đối với cá nhân.
Đối với những thông tin sai sự thật, xuyên tạc tạo ra hoài nghi, hoang mang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn cho rằng, cơ quan chức năng tùy vào tính chất, mức độ, mục đích và hậu quả gây ra để xử lý người tung tin đồn về hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 8, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.