Đua thuyền Việt Nam hướng tới SEA Games 31: Vượt khó giữ vững thành tích
Ở các kỳ đại hội thể thao quốc tế, như: SEA Games và ASIAN Games, đội tuyển đua thuyền Việt Nam (với hai phân môn là rowing và canoeing) là môn thể thao có nhiều đóng góp cho thành tích chung của thể thao Việt Nam. Song, để thực hiện mục tiêu trước mắt là giành nhiều huy chương cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31-2021, đòi hỏi các vận động viên môn đua thuyền phải nỗ lực vượt khó để giữ vững thành tích cũng như phát triển bền vững.
Vận động viên thi đấu tại Giải Đua thuyền rowing và canoeing vô địch trẻ quốc gia 2020. Ảnh: Ngọc Tú
Dấu ấn thành tích
Hơn 10 năm qua, môn đua thuyền rowing và canoeing Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trên các đấu trường châu lục và khu vực. Nổi bật là ở môn canoeing, năm 2018, Việt Nam đã có tấm Huy chương vàng ASIAD. Đây là Huy chương vàng đầu tiên của các nước Đông Nam Á của bộ môn này ở ASIAD.
Với tiềm năng của bộ môn đua thuyền, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã đặt mục tiêu cho đội tuyển môn rowing và canoeing là phải giành vé tới Olympic Tokyo vào năm 2021 và giành nhiều huy chương nhất cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31-2021.
Tuy vậy, có không ít khó khăn, trở ngại để hiện thực hóa mục tiêu này. Huấn luyện viên trưởng đội tuyển rowing Việt Nam Lê Văn Quang cho biết, nhiều năm qua, rowing Việt Nam luôn eo hẹp về nguồn tuyển chọn. Hiện tại, Ban Huấn luyện đang rất lo lắng, vì mỗi năm đội tuyển chỉ tuyển được một vài tài năng trẻ. Thực trạng này dẫn đến việc tuyển chọn vận động viên đủ trình độ thi đấu cho đội tuyển quốc gia bị hạn chế. Không những vậy, hệ thống thi đấu quốc gia chỉ có 1-2 giải trẻ/năm, nên vận động viên ít có cơ hội thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ.
“Tốp vận động viên lớn tuổi có thành tích tốt thì nhiều người xin nghỉ vì lý do gia đình. Trong khi đó, lứa vận động viên trẻ lại chưa đuổi kịp về thành tích. Hơn nữa, gần 1 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các vận động viên trẻ không được tập huấn, thi đấu ở các giải đấu lớn”, ông Lê Văn Quang bày tỏ. Còn theo huấn luyện viên trưởng đội tuyển canoeing Việt Nam Cấn Anh Tuấn, khó khăn của bộ môn canoeing cũng không khác, khi toàn bộ đội tuyển có tới 2/3 là vận động viên trẻ, chưa có kinh nghiệm thi đấu ở giải đấu lớn.
Vận động viên đội tuyển rowing quốc gia Phạm Thị Huệ chia sẻ, do đặc thù của bộ môn là tập luyện ngoài trời, dưới nước, nên khi xảy ra dịch Covid-19, toàn đội tuyển phải nghỉ tập hàng tháng, ảnh hưởng rất nhiều đến thể lực và tâm lý. “Với vận động viên chuyên nghiệp, nghỉ tập 14 ngày là coi như tập lại từ đầu”, Phạm Thị Huệ nói.
Giải pháp để phát triển bền vững
Để vượt khó, giữ vững thành tích, phát triển bền vững hướng đến các nhiệm vụ quốc tế, như SEA Games 31-2021, Olympic Tokyo 2021, ASIAD 2022, đội tuyển đua thuyền Việt Nam cần những giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Theo huấn luyện viên trưởng đội tuyển rowing Việt Nam Lê Văn Quang, trước mắt, khi việc thi đấu quốc tế chưa thể diễn ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đội tuyển cho các vận động viên thi đấu nội bộ để kiểm tra phong độ, củng cố tâm lý. Cùng với đó, Ban Huấn luyện nỗ lực đưa các chuyên gia nước ngoài về huấn luyện chuyên sâu cho vận động viên. Dự kiến, tháng 12-2020, chuyên gia người Australia sẽ sang Việt Nam làm việc.
“Đặc biệt, Giải Đua thuyền rowing và canoeing vô địch trẻ quốc gia 2020 được tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua là “phép thử” để rà soát lực lượng chuẩn bị cho đấu trường SEA Games 31 sắp tới”, huấn luyện viên Lê Văn Quang cho biết thêm. Còn vận động viên Phạm Thị Huệ chia sẻ: "May mắn là Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19, nên tôi và các đồng đội đã được tập luyện bình thường trở lại, sẵn sàng cho mục tiêu chinh phục SEA Games 31-2021".
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Nguyễn Hải Đường, Tổng Thư ký Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam, cho rằng, để phát triển bền vững cũng như vươn tới những mục tiêu cao hơn, đua thuyền Việt Nam cần phải gây dựng đội tuyển trẻ chất lượng. Bên cạnh việc tổ chức nhiều đợt tuyển chọn ở các địa phương, đua thuyền Việt Nam cần chủ động phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, thông qua các giải thể thao học đường phát hiện sớm những tài năng trẻ, tạo nguồn lực lượng vận động viên hùng hậu, tăng "nguồn cung" cho đội tuyển quốc gia.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, thời gian tới, Tổng cục sẽ hỗ trợ tối đa cho đội tuyển đua thuyền rowing và canoeing về điều kiện tập luyện, sẵn sàng thi đấu khi các giải đấu trở lại và mục tiêu gần nhất là vòng loại Olympic, dự kiến tổ chức vào tháng 4-2021. Về lâu dài, Tổng cục khuyến khích các địa phương đầu tư cơ sở vật chất, gây dựng đội ngũ vận động viên dồi dào, tăng nguồn tuyển chọn cho đội tuyển quốc gia.