Đua thuyền Việt Nam tìm kiếm thêm nguồn tài năng từ các giải trẻ

Kinhtedothi – Dù đã có những thành tích trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu lục tại tấm HCV tại SEA Games 31 hay đấu trường ASIAD 18, đua thuyền Việt Nam vẫn cần những chiến lược lâu dài để duy trì và phát triển thành tích.

Đẩy mạnh tìm kiếm nguồn tài năng sẵn có

Đua thuyền Việt Nam (rowing và canoeing) là bộ môn được đầu tư và mang lại những thành tích cho thể thao nước nhà. Trong đấu trường khu vực, bộ môn này của Việt Nam luôn đứng vững ở vị trí dẫn đầu. Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra trên sân nhà, đua thuyền Việt Nam giành vị trí dẫn đầu khi đạt được 16 HCV, 10 HCB và 4 HCĐ. Đội tuyển Indonesia xếp vị trí thứ hai với 8 HCV, 6 HCB, đứng thứ 3 là đội Philippines.

Giải Đua thuyền rowing và canoeing vô địch trẻ quốc gia năm 2022 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8 kết thúc thành công tốt đẹp.

Giải Đua thuyền rowing và canoeing vô địch trẻ quốc gia năm 2022 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8 kết thúc thành công tốt đẹp.

Trong lịch sử, đua thuyền Việt Nam đã có những tấm HCV quý giá tại đấu tường ASIAD 18 của các nữ VĐV gồm Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Ly và Phạm Thị Huệ. Thành tích đạt được này là quá trình đầu tư, trong đó những giải trẻ là tiền đề để tìm kiếm nguồn nhân lực, cũng như “đãi cát tìm vàng” cho đội tuyển quốc gia. Đơn cử Giải Đua thuyền rowing và canoeing vô địch trẻ quốc gia năm 2022 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8 vừa qua, quy tụ 432 VĐV của 32 đoàn, tranh tài ở 24 bộ huy chương môn rowing và 64 bộ huy chương môn canoeing của hai nhóm tuổi.

Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài, những năm gần đây phong trào tập luyện và thi đấu môn Đua thuyền rowing và canoeing phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng các đoàn tham gia tập luyện lẫn thành tích thi đấu.

Qua Giải Đua thuyền rowing và canoeing vô địch trẻ quốc gia năm 2022, đua thuyền Việt Nam đã phát hiện một số gương mặt VĐV trẻ xuất sắc, như: Nguyễn Thị Hương (Vĩnh Phúc), Tống Hoàng Nam (Hải Dương), Trần Quốc Việt (Cà Mau), Hoàng Thị Hường (Hải Phòng), Lương Thị Dung (Quảng Ninh) ở môn canoeing; và các VĐV: Nguyễn Văn Hiếu (Hà Tĩnh), Hồ Thị Duy (Bạc Liêu), Trần Huy Tiệp (Hải Dương), Bùi Thị Thu Hiền (Thái Bình), Trần Thị Thu Hằng (Quảng Trị) ở môn rowing. Các VĐV đều ở lứa tuổi từ 15 đến 19 tuổi, hứa hẹn là lớp kế cận cho đội tuyển đua thuyền quốc gia trong tương lai.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn đua thuyền Việt Nam Nguyễn Hải Đường khẳng định, việc giải vô địch trẻ quốc gia thu hút đông các đoàn tham gia thể hiện hướng đi đúng. “Nếu chúng ta có thêm nhiều giải đua thuyền được tổ chức chuyên nghiệp, chất lượng chuyên môn cao, phong trào tập luyện môn rowing và canoeing sẽ phát triển rộng rãi ở các tỉnh, TP, tăng cơ hội phát hiện thêm tài năng trẻ" - ông Nguyễn Hải Đường nhấn mạnh.

Cần chiến lược phát triển bài bản

Bước vào SEA Games 31 cũng như khoảng thời gian 2 năm vừa qua, đua thuyền Việt Nam đứng trước những khó khăn không nhỏ, trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Nhưng thành công của SEA Games 31 cũng như 2 HCV tại Giải vô địch đua thuyền rowing châu Á 2021 là đòn bẩy giúp đua thuyền Việt Nam vượt qua những khó khăn, hướng tới thành tích lớn hơn như đấu trường ASIAD đã giành được vào năm 2018.

Một thực tế nhìn thấy ở đua thuyền cũng như các bộ môn thể thao nói chung tại Việt Nam là luôn gặp khó khăn về nguồn nhân lực cho đội tuyển khi niềm đam mê. Trong đó, đua thuyền luôn vấp phải là niềm đam mê của các VĐV trẻ với bộ môn không nhiều, dù những giải đấu trẻ vẫn tổ chức đều. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuyển chọn VĐV đủ trình độ thi đấu, dẫn đến hạn chế về thành tích.

Theo Trưởng bộ môn đua thuyền Hà Nội (Trung tâm HL&TĐ TDTT) Nguyễn Văn Thắng, nhóm VĐV lớn tuổi có thành tích tốt thì nhiều người xin nghỉ, vì lý do gia đình. Trong khi đó, lứa VĐV trẻ lại chưa đuổi kịp về thành tích.

“Dù hệ thống thi đấu quốc gia được tổ chức những cũng chỉ có 1-2 giải trẻ/năm, nên VĐV ít có cơ hội thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ. Việc có thêm nhiều giải đấu là cơ hội để các VĐV trẻ trong cả nước góp mặt tranh tài, chắc chắn sẽ phát hiện thêm nhiều VĐV có tố chất cho đội tuyển Hà Nội cũng như đội tuyển quốc gia” - ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Để phát triển bền vững, việc đầu tư trọng điểm và có chiến lược bài bản là điều kiện tiến quyết để đua thuyền Việt Nam tiếp tục duy trì và cải thiện thành tích. Trong đó, Liên đoàn đua thuyền Việt Nam cần nỗ lực tìm nguồn kinh phí, tổ chức thêm nhiều giải đấu trong nước cũng như đưa giải đấu quốc tế, tạo điều kiện tối đa cho các VĐV trẻ đội tuyển quốc gia góp mặt tranh tài, qua đó rèn luyện, nâng cao bản lĩnh thi đấu, thuê chuyên gia, đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài.

Đặc biệt, Liên đoàn cần hỗ trợ các địa phương trong công tác đào tạo VĐV trẻ, bởi các địa phương có nguồn tài nguyên phong phú về tài năng. “Tổng cục TDTT sẽ hỗ trợ tối đa cho đội tuyển trẻ rowing và canoeing về điều kiện tập luyện, để có thể nắm bắt cơ hội nếu được dự các giải quốc tế. Cùng với đó, có sự đầu tư trọng điểm cho một số vận động viên tài năng đặc biệt đi tập huấn ở nước ngoài, hướng tới đấu trường ASIAD và Olympic” - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết.

Hoàng Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dua-thuyen-viet-nam-tim-kiem-them-nguon-tai-nang-tu-cac-giai-tre.html