Đưa tiến bộ khoa học và kỹ thuật đến gần người dân

Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, các đơn vị, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung hướng dẫn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho người dân và hội viên. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Anh Ngô Xuân Đức, bản Huổi Phạ, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) kiểm tra sự phát triển của cây dưa lưới trong nhà màng.

Anh Ngô Xuân Đức, bản Huổi Phạ, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) kiểm tra sự phát triển của cây dưa lưới trong nhà màng.

Với sự tư vấn và hỗ trợ của Phòng Kinh tế (TP. Điện Biên Phủ), 3 năm về trước, gia đình anh Ngô Xuân Đức, bản Huổi Phạ, phường Him Lam đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính, nhà màng, kết hợp với áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Nhằm đem lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất nông nghiệp, anh Đức đã áp dụng phương pháp trồng dưa thủy canh kết hợp với nhà màng. Việc ứng dụng các phương pháp này dù tốn kém chi phí đầu tư hơn cách trồng dưa thông thường khác, song quá trình áp dụng kỹ thuật công nghệ cao đã góp phần kiểm soát đáng kể sâu bệnh hại và tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dẫn chúng tôi thăm mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại gia đình, anh Đức chia sẻ: “Mô hình nhà kính như thế này nếu mà thực hiện tốt sẽ hạn chế được rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Các loại thuốc diệt trừ sâu bệnh rất ít sử dụng, trừ khi nấm bệnh quá nặng mình mới phải sử dụng thôi. Còn hầu như không có côn trùng xâm nhập vào được vì nhà màng rất kín… Việc canh tác bằng các phương pháp công nghệ cao sẽ góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn hơn với người tiêu dùng”.

Nhằm giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức, tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập; từ đầu năm đến nay, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã tổ chức 07 hội nghị tập huấn về kiến thức nông nghiệp cho 560 hội viên nông dân tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa và TP. Điện Biên Phủ. Qua đó, giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, tư duy sản xuất mới; từng bước tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại cơ sở. Cùng với việc giúp người dân tiếp cận gần hơn với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân còn triển khai một số mô hình kinh tế mới, góp phần tăng thu nhập và thúc đẩy phát triển nông nghiệp của địa phương.

Các ứng dụng khoa học - kỹ thuật được triển khai vào mô hình chăn nuôi trâu sinh sản tập trung tại Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh.

Các ứng dụng khoa học - kỹ thuật được triển khai vào mô hình chăn nuôi trâu sinh sản tập trung tại Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh.

Ông Trịnh Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Hội Nông dân tỉnh về hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, Trung tâm đã khảo sát, xây dựng mô hình trồng cây táo Đài Loan theo hướng an toàn trên diện tích 8.000m2 tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Phối hợp với Văn phòng Phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học phát triển cây nho hạ đen tại xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên). Việc thực hiện các mô hình đó giúp nông dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương”.

Với diện tích đất canh tác rộng và những ưu thế về chuồng trại, kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh đã thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sinh sản, chăn nuôi và trồng, chế biến thức ăn nhằm phát triển bền vững đàn trâu hàng hóa tại tỉnh Điện Biên”. Trong quá trình thực hiện dự án, các kỹ thuật mới sẽ được các cán bộ của trung tâm áp dụng vào thực tế, như: Quy trình kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trâu đực Murrah với trâu cái Việt Nam, kỹ thuật trồng cỏ VA-06, kỹ thuật chế biến thức ăn cho trâu... Sau đó, trung tâm tiến hành đánh giá mô hình và chuyển giao kỹ thuật cho người dân.

Ông Đức Minh Nhuệ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh cho biết: Các dự án này có tầm quan trọng với việc phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bởi vì sau quá trình thử nghiệm, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ lưỡng và nhận định tính hiệu quả khi triển khai cho người dân. Nếu các mô hình mới, cây, con mới phát huy hiệu quả, chúng tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nông dân nhằm nâng cao giá trị thu nhập. Hơn thế là bà con có điều kiện được tiếp cận với các mô hình áp dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, từng bước làm quen với cách thức sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại những sản phẩm có chất lượng cung cấp cho thị trường.

Dự án nuôi gà thả vườn của Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh phát huy hiệu quả, có thể chuyển giao cho người dân.

Dự án nuôi gà thả vườn của Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh phát huy hiệu quả, có thể chuyển giao cho người dân.

Trong thời gian qua, nhiều mô hình nông lâm nghiệp đã được triển khai và được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng dứa ở xã Na Sang, bí xanh tại 2 xã: Na Sang và Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà); mô hình chăn nuôi cá lồng trên các hồ thủy lợi như: Pá Khoang, Hồng Khếnh, Noọng Luông; mô hình nuôi ong của HTX ong mật xã Sam Mứn (huyện Điện Biên); nuôi ong rừng, trồng bí xanh xã Chà Nưa; mô hình trồng rau sạch của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, xã Si Pha Phìn (huyện Nậm Pồ)... Bước đầu, việc triển khai các mô hình kinh tế mới có sự hỗ trợ không nhỏ của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Thế nhưng, đó cũng là cơ hội để người dân được tiếp cận gần hơn với các ứng dụng khoa học, kỹ thuật; từ đó mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả cao hơn.

Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc ứng dụng các mô hình kinh tế mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua là bước đánh giá sự phù hợp để ứng dụng các đối tượng cây trồng, vật nuôi vào địa bàn. Có thể khẳng định việc áp dụng, thử nghiệm các mô hình phát triển kinh tế mới, các khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp là bước quan trọng để đánh giá hiệu quả thực tế. Trên cơ sở đó tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các mô hình kinh tế mới, các biện pháp trồng trọt, chăn nuôi theo đúng tiến bộ khoa học-kỹ thuật; góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình…

Với tiềm năng, thế mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tỉnh Điện Biên đã và đang tận dụng tối đa ưu thế về điều kiện tự nhiên kết hợp với áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Từ kết quả các mô hình thử nghiệm thành công sẽ thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học, tự tin chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp; từng bước khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bài, ảnh: Quang Hưng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/217783/dua-tien-bo-khoa-hoc-va-ky-thuat-den-gan-nguoi-dan-