Đưa tiền cho cảnh sát khi mắc lỗi giao thông, có bị phạt?
Người đưa tiền cho CSGT, tùy mức độ vi phạm, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội 'Đưa hối lộ'.
CSGT kiểm tra vi phạm giao thông
Bạn đọc Nguyễn Văn Tú (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) gửi câu hỏi tới Báo Giao thông: "Người vi phạm giao thông đưa tiền cho CSGT với mong muốn được bỏ qua lỗi thì có bị coi là đưa hối lộ hay không?".
Về câu hỏi này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi đưa tiền cho CSGT nhằm không xử phạt là việc làm vi phạm pháp luật.
Với hành vi vi phạm pháp luật là đưa tiền cho CSGT này, tùy vào mức độ vi phạm, mà người đưa tiền sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đưa hối lộ".
Cụ thể, nếu số tiền đưa cho CSGT dưới 2 triệu đồng, người đưa sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng theo điểm c khoản 3 điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Căn cứ khoản 4 điều 20, ngoài mức phạt nêu trên, họ còn bị tịch thu số tiền đã đưa.
Trường hợp, nếu số tiền từ 2 triệu đồng, người đưa sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đưa hối lộ" theo điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khi đó, hình phạt thấp nhất đối với tội danh này là bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Với CSGT nhận tiền từ người vi phạm giao thông, tùy vào từng hành vi cụ thể và mức độ vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Bên cạnh việc xử lý theo những quy định của ngành công an như: kỷ luật ngành; đình chỉ công tác có thời hạn; hoặc thậm chí sa thải.
Nếu CSGT bị xác định tội danh "Nhận hối lộ", thì nếu mức hối lộ có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa xóa án tích mà còn vi phạm, có thể bị xử phạt từ 2 đến 7 năm tù.
Nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng, người nhận hối lộ có thể bị phạt tù từ 7 - 15 năm; còn nhận tiền ở mức từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng, có thể bị phạt tù 15 - 20 năm.
"Thậm chí, trong trường hợp nghiêm trọng, người nhận từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản trên 5 tỷ đồng. có thể bị phạt lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình", luật sư Thơm cho biết.
"Người dân khi tham gia giao thông nên chấp hành đúng quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn cho mình và người khác, cũng như tránh gặp rủi ro pháp lý. Trường hợp mắc lỗi, người vi phạm nên chấp nhận bị xử phạt theo đúng quy định", luật sư Nguyễn Anh Thơm khuyến cáo.