Đưa tiền thật nhận tiền 'ảo' - Hệ lụy từ lòng tham và sự thiếu hiểu biết
Như tin An ninh Thủ đô đã đưa, qua quá trình trinh sát, xác minh thông tin, phát hiện Công ty Triệu nụ cười do Hồ Quốc Thân là người đại diện pháp lý có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Thời điểm Hồ Quốc Thân, Chủ tịch Công ty cổ phần Triệu nụ cười bị bắt, hàng trăm người đến dự “buổi giao lưu gặp mặt” bằng tiền của chính mình vẫn nhất mực tin rằng đây không phải là hành vi lừa đảo.
Phát hành thẻ an sinh và khách phải nộp số tiền 2,6 triệu đồng, chỉ được sử dụng tại hệ thống chuỗi cửa hàng dân sinh Triệu Nụ Cười nhưng Hồ Quốc Thân (SN 1992) trú tại xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An luôn cho rằng mình là người “trợ duyên” giúp đỡ an sinh xã hội.
Thực tế từ hàng nghìn người đã mua thẻ an sinh, tiền trợ duyên để sở hữu đồng tiền lượng tử QFS TNCVN do Thân tự nghĩ ra Thân mới có thể xây dựng được chuỗi cửa hàng dân sinh chứ không hề bỏ tiền túi ra giúp đỡ người dân.
Thân tự phát hành đồng tiền lượng tử QFS TNCVN, không lên sàn bất kỳ nền tảng nào liên quan đến đồng tiền điện tử. Khoảng giữa tháng 4-2024, Hồ Quốc Thân bắt đầu hoạt động trên các Zoom chia sẻ việc phát hành đồng tiền, đưa ra thông tin không đúng sự thật về việc đồng QFS như đây là đồng tiền được bảo chứng bằng… di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11-2024 tại Việt Nam; Chủ tịch Hồ Quốc Thân đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ “Tổng bộ Hồ Chí Minh”…
Doanh nghiệp cá nhân mua đồng QFS sẽ được tham gia vào hệ sinh thái Triệu nụ cười; được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Nếu vì bất kỳ lý do nào, cá nhân, doanh nghiệp không muốn tiếp tục tham gia cùng công ty thì Thân sẽ trả lại tiền. Đến nay đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.
Sáng 24-12, hàng trăm cá nhân, doanh nghiệp đã đến “gặp gỡ và giao lưu với Chủ tịch Hồ Quốc Thân” mà không hề hay biết chỉ cách đó không xa, Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội đang thi hành lệnh khám xét và chiều cùng ngày đã bị đưa vào Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Công ty CP Triệu nụ cười thành lập lần đầu ngày 13-12-2023, nhưng đến ngày 31-7-2024, Công ty vẫn chưa đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử với cơ quan thuế và chưa đăng ký nộp Bảo hiểm xã hội, trong khi các cửa hàng dân sinh Triệu Nụ Cười đã đi vào hoạt động, kinh doanh hàng hóa. Sau khi huy động các cá nhân và doanh nghiệp mua đồng QFS, hiện nay Hồ Quốc Thân đã dừng việc phát hành đồng “tiền ảo” này.
Đại tá Trần Xuân Thành, Trưởng phòng An ninh kinh tế CATP Hà Nội nêu rõ, hiện vẫn chưa có khung pháp lý quy định về “tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. “Tiền ảo” không được công nhận là tài sản, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Theo chỉ huy Phòng An ninh kinh tế, cơ quan chức năng Việt Nam không bảo hộ cho đồng tiền ảo. Người dân khi tham gia giao dịch tiền ảo trong trường hợp hệ thống vì nguyên nhân chủ quan hay khách quan bị đánh sập thì các cá nhân không thể chứng minh được mình sở hữu bao nhiêu đồng tiền ảo để có thể đòi được quyền lợi cho mình, hoặc không có căn cứ chứng minh mình sở hữu số lượng tiền ảo.
“Hiện nay một số quốc gia đã công nhận tiền ảo và được sử dụng trong lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên nếu chính sách của các quốc gia đó thay đổi, tiền ảo không được công nhận sẽ ảnh hưởng lớn đến khách hàng. Người dân khi tham gia các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế cần nhìn nhận rõ đó là sàn thật hay giả, có được pháp luật công nhận hay không; không nên vì lòng tham và sự thiếu hiểu biết mà đưa tiền thật, nhận tiền "ảo" để rồi mất trắng” – chỉ huy Phòng An ninh kinh tế khuyến cáo.