Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: 'Cần từng bước thí điểm rồi mới nhân rộng'
Ngày 26.9, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm 'Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?'.
Tọa đàm nhằm ghi nhận ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng hoạt động dạy và học tiếng Anh tại các trường học ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, đề xuất giải pháp để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
Nhiều khó khăn trong triển khai dạy và học tiếng Anh
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ sự vui mừng khi vấn đề đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là một trong những nội dung của Kết luận 91-KL/TW; đồng thời khẳng định đây là chủ trương vô cùng lớn để thực hiện mục tiêu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
Nhận định về việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay tại Việt Nam, trong đó có tiếng Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng chúng ta đã có đủ những quy định cơ bản cũng như cơ sở chính trị. Về cơ sở pháp lý, trong Luật Giáo dục 2019, ở Điều 11 cũng đã có quy định giao Chính phủ quy định việc dạy và học ngoại ngữ trong cơ sở giáo dục. Về mặt thực tiễn, mỗi người lao động cũng như từng gia đình ngày càng nhận thức đầy đủ, rõ hơn về tầm quan trọng của ngoại ngữ và đầu tư cho việc học ngoại ngữ.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn nhận, kết quả của việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường chưa cao; thậm chí ở nhiều địa bàn, nhiều cơ sở giáo dục, nhiều nhóm đối tượng, chất lượng dạy học ngoại ngữ nói chung và dạy tiếng Anh nói riêng rất thấp. “Hành trình chúng ta đẩy nhanh tiến độ để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là hành trình gian nan”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân thiếu đội ngũ giáo viên. Ngay ở thành phố trung tâm như TP. Hồ Chí Minh, số lượng hồ sơ nộp vào ứng tuyển giáo viên tiếng Anh cũng ít hơn so với biên chế được phân bổ. Đối với khu vực miền núi, giáo viên tiếng Anh là sự thiếu thốn vô cùng phổ biến tại nhiều địa bàn.
“Bên cạnh đó, còn các điều kiện bảo đảm liên quan tới cơ sở vật chất, phòng bộ môn, máy móc phương tiện phục vụ - là phương tiện để chúng ta bảo đảm nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, sự đầu tư cho hạ tầng cơ sở dạy tiếng Anh ở các điểm trường hiện nay, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa vô cùng khó”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay.
Theo PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, hơn 10 năm trở lại đây, việc giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số quy định khung pháp lý liên quan đến ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng đã được ban hành. Cùng với các hoạt động tích cực của đề án ngoại ngữ 2020, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ GD-ĐT, việc dạy tiếng Anh, phát triển đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở bậc phổ thông và bậc đại học đã được quan tâm, có kết quả nhất định.
Về khó khăn, PGS.TS Hà Lê Kim Anh cho rằng có hai khó khăn lớn nhất. Thứ nhất, chúng ta vẫn đang thiếu giáo viên tiếng Anh đặc biệt là vùng miền núi, thiếu đội ngũ giáo viên có chất lượng. Thứ hai là khó khăn về nhận thức. “Đâu đó các bậc phụ huynh, giáo viên vẫn nghĩ tiếng Anh là môn học và chỉ cần qua môn mà không ý thức tiếng Anh góp phần quan trọng tạo sức cạnh tranh, vươn ra quốc tế. Điều này rất khó tạo được sức bật, nâng cao chất lượng sử dụng tiếng Anh trong phát triển nghề”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm.
TS Đàm Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Equest - đơn vị hiện đang quản lý nhiều hệ thống trường học phổ thông tư thục trên toàn quốc với mô hình đào tạo song ngữ chia sẻ, thế giới có chỉ số đánh giá mức độ thành thạo tiếng Anh trong xã hội.
Vào năm 2015, Việt Nam xếp ở mức 29/70 quốc gia; vào năm 2020 xếp ở mức 65/100 quốc gia; năm 2024 xếp ở mức 58/113 quốc gia. Mặc dù mức độ thành thạo tiếng Anh ở Việt Nam tăng đáng kể nhưng các nước khác vẫn tăng. So với thế giới, mức độ thành thạo tiếng Anh ở Việt Nam vẫn khá khiêm tốn.
“Nếu đi công tác tại Singapore, có thể thấy những bạn trẻ của Singapore nói tiếng Anh cực kỳ xuất sắc, nói rất chuẩn. Điều này cho thấy đây là cuộc đua, tất cả quốc gia đều phải đẩy mạnh tốc độ phát triển của mình. Việt Nam không thể hài lòng với tốc độ phát triển của nước ta, dù đã có nhiều nỗ lực”, TS Đàm Quang Minh nhìn nhận.
TS Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, Ba Đình là địa bàn trung tâm chính trị - hành chính - văn hóa và kinh tế của Thủ đô, xếp hạng giáo dục đứng thứ 2/30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội. Nhu cầu học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng trên địa bàn tương đối cao, từ cả phía phụ huynh lẫn phía học sinh.
Tuy nhiên, vấn đề triển khai dạy và học tiếng Anh hiện vẫn còn một số khó khăn như chương trình GDPT 2018 yêu cầu số lượng giáo viên lớn hơn so với chương trình cũ, nhưng việc tuyển dụng tương đối khó khăn vì giáo viên giỏi, sinh viên giỏi đôi khi không chọn nghề giáo mà đã chuyển công việc khác.
Bên cạnh đó, mục tiêu của việc dạy học ngoại ngữ theo chương trình GDPT 2018 đã bị lệch đi khi có tình trạng thầy cô dạy để thi, học sinh học để đi thi hay phụ huynh cho con học vì điểm số. Nhiều học sinh rất tự tin về kỹ năng đọc và viết, nhưng giao tiếp còn nhiều hạn chế.
Năng lực tiếng Anh có tầm quan trọng hàng đầu trong kỷ nguyên số
GS.TS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, hiện nay, khi thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo thì công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là hai công cụ như “hai chân” có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu. Tại Việt Nam, chúng ta đang làm rất tốt “chân” về công nghệ thông tin, nhưng “chân” về tiếng Anh lại đang yếu.
“Như vậy, chúng ta sẽ khó khăn để có thể “chạy đua” với các quốc gia khác trong bối cảnh hiện nay, khi ở trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhưng lành mạnh, có nghĩa phải cạnh tranh bằng năng lực”, GS Trần Văn Nhung nói.
Năm 2000, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 58/CT-TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Sau 1/4 thế kỷ, có thể nhận thấy những bước tiến ngoạn mục về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.
GS Trần Văn Nhung nhìn nhận, nếu có một chỉ thị tương tự Chỉ thị 58/CT-TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” nhưng cho ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội thì việc dạy và học, sử dụng tiếng Anh trên đất nước ta sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và cũng sẽ có những bước tiến ngoạn mục.
Theo bà Võ Hồng Hạnh, Giám đốc Marketing & Truyền thông, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), việc học tốt tiếng Anh có thể mở ra rất nhiều cơ hội giáo dục sau cấp THPT. Hiện nay, các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về giáo dục như Mỹ, Anh, Úc, Canada,.. đều đang sử dụng tiếng Anh. Năng lực tiếng Anh tốt sẽ giúp sinh viên tìm được các cơ hội phù hợp liên quan đến học bổng du học, học tập trao đổi, thậm chí là những cơ hội tương tự ngay tại Việt Nam.
Bà Võ Hồng Hạnh cũng cho rằng, tiếng Anh không chỉ đơn giản là công cụ. Năng lực tiếng Anh tốt sẽ tạo cho một người sự nổi trội so với người khác nếu có cùng năng lực về tư duy hay kiến thức chuyên môn. Ngoài ra, khả năng tiếng Anh tốt cũng sẽ giúp tạo cơ hội làm quen, hòa nhập, mở rộng mạng lưới trên toàn cầu.
Khi bước ra thế giới việc làm, năng lực tiếng Anh tốt sẽ giúp chúng ta tự tin giao tiếp và có cơ hội mở rộng tư duy. “Tiếng Anh sẽ mở ra những cơ hội, những cánh cửa để các bạn có thể học tập, cũng như làm việc ở các tổ chức hàng đầu, mang tính chất toàn cầu trên thế giới”, bà Võ Hồng Hạnh cho hay.
Nhà trường không thể “dạy chay”, “học chay", không thực hiện ồ ạt
Để có thể thực hiện mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa vấn đề này vào quy định trong Luật Giáo dục. Bên cạnh đó, phải có chính sách và chiến lược - không chỉ là đường hướng trong các văn bản mà phải được cụ thể hóa thành các đề án và phải có nguồn lực.
“Muốn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, phải có những đề án rất cụ thể. Trong các đề án này, nếu xét đến tính ưu tiên, tôi nghĩ rằng ưu tiên đầu tiên phải là đề án đào tạo đội ngũ giáo viên. Bởi thực hiện dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai không chỉ đơn thuần là giáo viên dạy ngoại ngữ mà cần có giáo viên dạy song ngữ cho những môn khoa học cơ bản trong nhà trường”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, cần bắt đầu từ việc đầu tư cho các cơ sở đào tạo giáo viên, không chỉ là các trường sư phạm, mà phải mở ra cả các khoa ở các trường đào tạo ngành cơ bản. Sinh viên khi tốt nghiệp có những kiến thức về các môn khoa học cơ bản và sẽ học thêm ngoại ngữ để trở thành giáo viên dạy song ngữ trong các nhà trường.
Bên cạnh đó, cần có những đề án liên quan tới cơ sở vật chất, hạ tầng. Việc đưa ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường không thể “dạy chay”, “học chay” mà phải có những phòng học bộ môn, phương tiện, phải đưa công nghệ vào hỗ trợ.
Ưu tiên thứ ba là phải có được những chương trình thiết thực. Hiện nay, chúng ta đang triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Muốn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cần sự tính toán; không thể thực hiện dạy song ngữ đồng loạt, ồ ạt ở tất cả các môn bởi sẽ không thể đủ về điều kiện con người, cơ sở vật chất.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng cần phương án thí điểm về cách thức tổ chức chương trình, về cơ chế phối hợp giữa các trường ngoài công lập và các trường công lập,… Đặc biệt, cần những đề án cải cách thi cử. “Xưa nay, học sinh Việt Nam hay “thi thế nào thì học thế đấy”. Ngay cả cách dạy của các thầy cô giáo cũng thường là “thi thế nào thì dạy thế đấy”. Nếu chúng ta cải cách hình thức thi, phương thức thi, phương thức tuyển sinh vào các trường đại học sẽ điều chỉnh ngay được cách dạy và học tiếng Anh. Tôi cho rằng cải cách thi cử là vấn đề phải tính đến để có được sự đồng bộ trong tất cả giải pháp”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay.
GS.TS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhìn nhận để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, toàn bộ "cái khó" sẽ nằm ở vùng khó. Tất cả chiến lược này thành hay bại phụ thuộc vào vấn đề triển khai thực hiện ở các vùng khó khăn thế nào.
“Đơn cử, ở thành phố lớn như Hà Nội, tiếng Anh có thể được xem là ngôn ngữ thứ hai tại trường học, nhưng ở các tỉnh vùng cao, vùng khó, có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, tiếng Việt còn chưa thạo nên đầu tiên phải học tiếng Việt, sau đó đến tiếng dân tộc của họ, tiếng Anh đứng ở vị trí thứ ba”, GS Trần Văn Nhung nói.
Theo ông, chúng ta phải chấp nhận “mô hình khí động học” hay “mô hình mũi tên nhọn”, không thể dàn hàng ngang để cùng tiến lên trong giáo dục thì hệ thống mới có thể phát triển. Chương trình quốc gia về từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, muốn phát triển được, phải có người đi trước. Ngay tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng cần người đi trước và khu vực vùng sâu, vùng xa cũng phải cần người đi trước.
Cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn khoa học xã hội. Chương trình, sách giáo khoa, thi cử môn tiếng Anh đối với các trường ở thành phố lớn, các tỉnh có điều kiện sẽ thuận lợi hơn, có thể được nâng cao hơn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở miền núi, có đồng bào dân tộc.
Theo TS Đàm Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Equest, hiện nay, đa phần các trường tư thục đều có chương trình song ngữ đi kèm, thực tế là sử dụng tiếng Anh cho việc học tập, tức là học các môn bằng tiếng Anh. Đây là mô hình rất tốt cho quá trình sau này, khi đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Tuy nhiên, khi triển khai các chương trình này, theo quy định của pháp luật hiện hành, các trường phải trải qua khá nhiều bước, thông thường mất từ 1 - 2 năm xin phê duyệt. Với cùng một chương trình đã triển khai tại một trường, sau đó áp dụng tại trường khác cùng hệ thống vẫn phải bảo vệ lại từ đầu. Điều này gây nhiều khó khăn cho các nhà trường.
TS Đàm Quang Minh cho rằng, việc rút ngắn thời gian phê duyệt khi một chương trình đã được phê duyệt tại trường cùng hệ thống có thể nhân rộng các chương trình song ngữ tại các nhà trường.
Cũng theo TS Đàm Quang Minh, để có thể triển khai việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học ở quy mô quốc gia, cần có giải pháp mang tính đồng bộ cho các trường công lập và ngoài công lập.