Đưa trải nghiệm tái chế rác thải nhựa vào trường học
Từ năm 2024 đến năm 2030, các chương trình giáo dục về trải nghiệm tái chế rác nhựa sẽ được Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức tại một số trường học nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hợp tác về việc triển khai chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững.
Thỏa thuận hợp tác là cam kết lâu dài giữa Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường và Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam trong việc xây dựng và tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, trồng rừng, tái thiết cuộc sống xanh. Các chương trình giáo dục (giáo dục ngoại khóa, đào tạo, tập huấn...), chương trình trải nghiệm, các hoạt động truyền thông, hỗ trợ các dự án, hoạt động về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Trọng điểm của Chương trình là việc xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục về trải nghiệm tái chế rác nhựa tại các trường học và cộng đồng giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030.
Chương trình giáo dục trải nghiệm máy tái chế nhựa trong trường học và cộng đồng được thiết kế với các nhóm hoạt động gồm nâng cao nhận thức về rác thải nhựa thông qua các tiết học xanh hoặc hoạt động ngoại khóa; học sinh được hướng dẫn và thực hành phân loại rác tại trường học; trải nghiệm trực tiếp quy trình tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm; tham gia các hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường.
Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường hy vọng, chương trình sẽ khơi dậy tiềm năng, đam mê, ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa, hướng tới các hành động vì một môi trường bền vững.
Theo Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa tại Việt Nam, năm 2021, mỗi ngày, Việt Nam thải ra khoảng 8.021 tấn rác thải nhựa, tương đương khoảng 2,93 triệu tấn/năm. Trong đó, chất thải nhựa được tái chế chỉ khoảng 0,77 triệu tấn/năm. Tỷ lệ chất thải nhựa thất thoát ra môi trường rất lớn là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm vi nhựa trong môi trường đất, nước, không khí và trầm tích ở Việt Nam.