Đưa tranh Hàng Trống vượt qua khuôn mẫu truyền thống

Mong muốn đưa tranh Hàng Trống tiếp nối nghệ thuật đương đại, dự án 'Từ truyền thống đến truyền thống' của nhóm họa sĩ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã sáng tạo, làm mới dòng tranh dân gian này.

"Đốm lửa nhỏ" lan tỏa tình yêu tranh dân gian

Là thành viên sáng lập dự án “Từ truyền thống đến truyền thống”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, giống như gạch nối giữa nghệ nhân tranh Hàng Trống và nghệ sĩ trẻ, dự án đưa đến những khám phá về lịch sử tranh dân gian Hàng Trống và gợi mở sự phát triển dòng tranh này. “Đến giờ, tranh Hàng Trống chỉ còn lại nghệ nhân Lê Đình Nghiên nỗ lực duy trì và bảo tồn. Do đó, chúng tôi đã vận động các em sinh viên thực hiện dự án, bắt đầu từ tháng 9.2020, với sự hỗ trợ tìm hiểu và hướng dẫn của nghệ nhân Lê Đình Nghiên”.

Tranh Hàng Trống chuyển hóa trong đời sống đương đại

Tranh Hàng Trống chuyển hóa trong đời sống đương đại

Dự án đã tổ chức thành công triển lãm trưng bày tác phẩm của gần 30 sinh viên vào cuối năm 2020, lấy cảm hứng từ tranh gốc của nghệ nhân Lê Đình Nghiên trên chất liệu lụa và sơn mài. Tiếp nối thành công, dự án tổ chức triển lãm ở đình Nam Hương và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hà Nội tháng 3.2021 và gần đây nhất là triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 6 - 16.4.2023.

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giữa tranh Hàng Trống với nghệ thuật sơn mài, vẽ lụa có nhiều điểm tương đồng có thể phát triển. Đặc biệt, tranh Hàng Trống sử dụng các nét rất tinh tế giống với kỹ thuật đi nét của tranh sơn mài. Với tinh thần muốn đem đến cho mọi người hiểu thêm về những điều xưa cũ một cách mới mẻ, từng tác phẩm đều có hướng dẫn, chỉ dẫn ý tưởng là lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian nào.

Đánh giá về sức sống của tranh Hàng Trống, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cho rằng, dòng tranh này đã có thời kỳ phát triển huy hoàng trong đời sống đô thị, nhưng cá nhân thực hành ngày càng ít. Vấn đề cần quan tâm là cách thức để nó chuyển hóa trong đời sống đương đại, khơi mở văn hóa dân gian, nhất là khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng đa dạng. Hiện tại, những người yêu thích tranh như đốm lửa nhỏ lan tỏa tình yêu, rất cần được khích lệ phát triển theo nhiều dạng thức thể hiện mới.

Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cho biết thêm, dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” đã và đang tạo bề dày cho đội ngũ thực hành, khai thác, làm mới giá trị di sản. Đã có lúc tranh Hàng Trống được trưng bày với công nghệ 3D, tương tác với người xem, tuy nhiên công nghệ không thể thay thế xúc cảm của nghệ sĩ trẻ. Sơn mài truyền thống mặc dù là tài sản quý nhưng so với các chất liệu dân gian khác tính tương tác lại không nhiều. Với dự án này, các tác phẩm tạo ra khả năng sử dụng mô típ, nguyên liệu và tính biểu tượng của tranh Hàng Trống bằng chất liệu mới đã vượt qua khuôn mẫu của truyền thống. Đây thực sự là đường hướng đúng cho quá trình chắt chiu, gom góp, gây dựng, bồi đắp để có được thành quả, giúp sáng tạo đi vào cuộc sống.

Trăn trở tìm ra cách thể hiện mới

Trong các tác phẩm làm mới di sản tranh Hàng Trống, có thể kể đến bức Chim công, Lý ngư vọng nguyệt của họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Như Quỳnh. Sau khi quan sát và tìm hiểu thấy tranh Hàng Trống và tranh sơn mài có nhiều điểm giống nhau từ màu sắc có độ chuyển đến tính tỉ mỉ khi vẽ, họa sĩ đã tận dụng bản nét của tranh kết hợp với chất liệu sơn mài để tranh Hàng Trống có màu sắc mới và âm điệu tươi vui, mang lại cảm xúc mới cho người xem.

Trưởng nhóm họa sĩ trẻ thực hiện dự án phát triển tranh dân gian Hàng Trống, họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung bày tỏ rất tự hào vì được tìm hiểu, nghiên cứu để phát triển dòng tranh dân gian Hàng Trống. “Trò chuyện, xem một số kỹ thuật và học hỏi cách nghệ nhân Lê Đình Nghiên làm tranh, tôi được truyền thêm cảm hứng. Việc ông dành công sức, thời gian để gìn giữ dòng tranh có nguy cơ thất truyền khiến tôi khâm phục và say mê lúc nào không biết. Tôi được xem nhiều tranh gốc, để rồi nhận thấy, các chi tiết trong tranh Hàng Trống là vốn văn hóa cần gìn giữ và phát triển, truyền bá tới nhiều người dân Việt Nam”.

Quá trình sáng tạo, Nhung và các bạn trăn trở để tìm ra cách thể hiện mới, ứng tác với tranh. “Ví dụ như trong bức Tứ bình, tôi tạo trên tấm bình phong kết hợp từ tranh Hàng Trống, với nghĩa ẩn dụ từ quá khứ đến hiện tại luôn được phát triển, nối tiếp, tôn trọng đến sau này”.

Cũng trực tiếp được xem bộ tranh truyền thống, trong đó có bản phác thực tế trên gỗ thị, họa sĩ trẻ Hoài Giang đã thực hiện tác phẩm Trong vườn hoa Hàng Trống, bằng việc gom các hình ảnh thiên nhiên, thực hiện trọn vẹn bộ tranh tứ bình với 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Quá trình này chị vẫn tuân thủ quy trình làm tranh truyền thống, từ thực hiện nội dung tranh dưới dạng màu nước trên giấy dó, đến sắp xếp để bức tranh đồng hiện 4 mùa trên sơn mài.

“Quả thực, nếu không được nghệ nhân tạo điều kiện, chúng tôi sẽ khó hoàn thành ý tưởng. Hai tháng tính từ lúc nghiên cứu, phác thảo, khi bắt tay làm tôi thấy đây như là một thử thách. Bằng chất liệu khác so với truyền thống, tác phẩm dẫn tôi tìm hiểu quy trình chế bản gỗ, in, tô màu và điểm xuyết, khá tương đồng so với quy trình vẽ sơn mài. Sau khởi đầu thành công, tôi thích công việc mình làm, hiểu rằng phát triển không có nghĩa bê nguyên si, mà quan trọng là tinh thần, có sự thay đổi, chuyển biến, như cái tứ tác phẩm tôi thể hiện”, Hoài Giang cho biết.

Bài và ảnh: Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/dua-tranh-hang-trong-vuot-qua-khuon-mau-truyen-thong-i324633/