Đưa trò về miền di sản
Thời gian qua, các tour du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục đã thu hút học sinh các trường học trên địa bàn Quảng Trị.
Đây là phương pháp giáo dục thực tế mới được nhiều trường học triển khai và phát huy hiệu quả.
Hoạt động ý nghĩa
Tháng 3 vừa qua, Tổ Lịch sử - Địa Lý của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị) đã tổ chức hoạt động học tập và trải nghiệm ý nghĩa đối với học sinh khối 10 các lớp chuyên Văn, Sử - Địa. Trước đó, hoạt động này cũng được nhà trường tổ chức nhiều lần, học sinh đều hào hứng tham gia.
Gần đây, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tiếp tục tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng về “miền di sản”. Điểm đến học tập, tham quan cho học trò là Khu di tích thành Tân Sở - nơi thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương; di tích Khu Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam...
Tham quan di tích, học sinh được các thầy cô và hướng dẫn viên du lịch giới thiệu những câu chuyện gắn liền với di tích. Các em được biết đến sự kiện vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp; nghe thuyết minh về các tướng lĩnh như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường – những phụ trợ đắc lực giúp vua thời kỳ đó…
Học sinh Trần Thị Khánh Chi, lớp 10 cho biết, được tham gia hoạt động học tập tại di tích lịch sử là trải nghiệm thú vị, mang lại nhiều lợi ích. “Qua chuyến tham quan, chúng em đã được giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, thêm hiểu về giá trị lịch sử từ di sản. Được nhìn hiện vật, nghe thuyết trình trực tiếp từ hướng dẫn viên với sự hỗ trợ của thầy cô giúp chúng em dễ ghi nhớ, hiểu sâu sắc hơn so với học tại lớp. Học từ trải nghiệm di sản cũng khiến học trò cảm nhận lịch sử thật gần, không cứng nhắc hay khó nắm bắt, hun đúc tâm hồn, tình yêu quê hương, đất nước cho mỗi người...”, Khánh Chi chia sẻ.
Trần Thị Khánh Chi bày tỏ mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn những địa chỉ đỏ không chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, mà còn ở nhiều nơi bởi theo em thế hệ trẻ cần phấn đấu học tập, tích cực bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa đất nước.
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm - Bí thư Đoàn trường, giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - cho biết: “Việc tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm thực sự ý nghĩa với học sinh. Hơn thế, khi trải nghiệm gắn với di sản lịch sử địa phương càng tăng thêm hiệu quả giáo dục, học sinh thêm tự hào dân tộc, yêu những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống...”.
Theo cô Tâm, không phải lần đầu học sinh nhà trường được tham gia các hoạt động trải nghiệm di sản. Trước đó, trường tổ chức tour du lịch văn học tại Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên. Đây là ý tưởng mới, giúp học sinh thêm yêu thích văn chương, hiểu và cảm nhận gần hơn về tác giả, tác phẩm. Ngoài ra, học sinh cũng được thăm và tìm hiểu các mô hình chăn nuôi gà, nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Cam Lộ... Các em đã thu nhận kiến thức phong phú từ thực tiễn cuộc sống mà không phải đi xa, mất thời gian, tốn kém...
Mũi tên hướng tới nhiều đích
Du lịch giáo dục trở nên phổ biến trong hoạt động giảng dạy nhà trường. Các chương trình được xây dựng đa dạng hình thức và hiệu quả giáo dục hướng tới nhiều đích.
Trường THPT Chế Lan Viên hàng năm tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử - văn hóa như: Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9, Thành cổ Quảng Trị. Hoạt động được tổ chức vào các dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, hành trình “Về nguồn” cuối năm học. Năm học này, trường tiếp tục cho học sinh khối 12 học tập trải nghiệm tại Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Khu di tích lịch sử thành Tân Sở - nơi đặt đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương (huyện Cam Lộ).
Cô giáo Phạm Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường THPT Chế Lan Viên - cho biết, hoạt động trải nghiệm gắn với di tích lịch sử - văn hóa là phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với Chương trình GDPT mới; góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục truyền thống. Trên cơ sở đó, rèn luyện cho học sinh năng lực quan sát, làm việc tập thể, giáo dục hướng nghiệp, trải nghiệm sinh động về lịch sử địa phương. Hoạt động trải nghiệm bổ ích, lý thú nên học sinh, giáo viên đều hào hứng tham gia...
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Chế Lan Viên, khó khăn nhất của việc tổ chức giáo dục trải nghiệm là vấn đề kinh phí. Vì vậy, đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, thông qua phụ huynh góp ý kiến. Khi phụ huynh đồng thuận thì trường cân đối nguồn kinh phí phù hợp để tổ chức, gia đình chỉ phải đóng góp một phần cho con em tham gia hoạt động.
“Trên cơ sở điều kiện hiện có, trường tổ chức hoạt động phù hợp. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt sẽ được miễn phí để đảm bảo tất cả được tham gia. Thời gian qua, chưa học sinh nào vì khó khăn mà không được dự hoạt động trải nghiệm do trường tổ chức…”, cô Tuyết khẳng định.
Qua tìm hiểu cũng cho thấy, nhằm giúp học sinh tham gia hoạt động học tập, trải nghiệm ngoài nhà trường hiệu quả, một số trường học tại Quảng Trị đã chủ động liên kết cùng đơn vị khai thác du lịch để tổ chức tour tuyến tham quan. Cùng đó, các đơn vị lữ hành kết hợp với đội ngũ giáo viên xây dựng chương trình phù hợp lứa tuổi để mang lại sự hứng thú cho học sinh. Với khâu chuẩn bị, tổ chức chu đáo, học sinh vừa được trải nghiệm vui chơi du lịch, vừa học thêm nhiều kiến thức và kỹ năng thực hành trong cuộc sống. Giáo dục trải nghiệm đã mang lại nhiều giá trị hiệu quả chứ không rơi vào tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”.
Theo ông Lê Hoàng Linh – Giám đốc Trung tâm Lữ hành Sepon (Sepon Travel), từ đầu năm học đến nay, đơn vị đã tổ chức cho hơn 2.000 lượt học sinh các trường tham quan theo tour du lịch giáo dục. Ngoài các điểm trong tỉnh, đơn vị còn tổ chức các tour ngoại tỉnh. Bước đầu triển khai cho thấy, phụ huynh, giáo viên, học sinh rất quan tâm. Để phát huy hiệu quả của hoạt động giáo dục trải nghiệm, thu hút học sinh tham gia, ông Linh cho biết đơn vị luôn phải sáng tạo, đổi mới, đa dạng các điểm tham quan để học sinh được thu nhận kiến thức mới mẻ, phục vụ quá trình học tập, trải nghiệm.
Theo ông Nguyễn Đức Tân - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị: Để mô hình du lịch - trải nghiệm học tập phát triển bài bản với những sản phẩm du lịch giáo dục chuyên nghiệp, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ngành Giáo dục và du lịch trong việc kết hợp tổ chức các tour du lịch trải nghiệm gắn với học tập.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dua-tro-ve-mien-di-san-post640579.html