Đưa văn hóa giao thông vào giáo dục bắt buộc
Không ai sinh ra đã có nhận thức đúng, tất cả đều phải học và thực hành mỗi ngày. Việc cần làm lúc này chính là đưa văn hóa giao thông vào giáo dục bắt buộc
Nhắc đến tình hình giao thông ở Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố lớn, người ta thường hình dung cảnh tượng chen chúc giờ tan tầm, lấn làn lúc cao điểm, tranh nhau vị trí đứng theo quy tắc "điền vào chỗ trống"…
Trước thực trạng trên, xây dựng văn hóa giao thông là đề tài không mới nhưng vẫn luôn nhức nhối. Đã đến lúc cần có thêm những biện pháp đột phá hơn để giải quyết.
"Chim mồi" ý thức
"Hiệu ứng chim mồi" là một thuật ngữ thường được sử dụng trong kinh doanh. Bằng hiệu ứng này, các doanh nghiệp sẽ đưa ra mồi nhử nhằm lôi kéo khách hàng lựa chọn đúng món hàng mà họ muốn. Xây dựng văn hóa giao thông cũng giống hệt như một món hàng cần bán, thứ chúng ta thiếu lúc này là những con "chim mồi".
Con người luôn có tâm lý so sánh. Khi thấy sự lựa chọn "có lợi" hơn trước mắt, họ sẽ không ngại ngần thực hiện. Lấn làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... giúp họ tiết kiệm vài ba giây trên hành trình mà lại chẳng có hậu quả gì tức khắc. Còn nếu tai nạn xảy ra thì… chuyện xui rủi. Vài người sẽ tìm lý do tặc lưỡi cho qua như thế thay vì tự vấn bản thân và tìm cách giải quyết.
Lúc này đây chính là thời điểm những con "chim mồi" cần được sổ lồng. Các biển báo khung hình phạt vi phạm giao thông treo mỗi ngã tư, ngã ba, gắn thêm camera theo dõi cho công tác phạt nguội. Hình ảnh vi phạm giao thông được truyền tải trực tiếp lên màn hình LED trên đường tại chính nơi đó, kèm theo âm thanh nhắc nhở tự động mỗi khi phát hiện sai phạm như cách nhiều nước từng sử dụng flycam để nhắc nhở việc đeo khẩu trang chống dịch. Việc nhanh hơn vài ba giây và hậu quả bị phạt tiền cùng sự xấu hổ khi bị nhắc nhở trực tiếp giữa nơi đông người sẽ làm chúng ta có sự so sánh, biết nên hành xử thế nào cho hợp chuẩn.
"Chim mồi" cứ thế phát huy tác dụng dẫn dắt ý thức giao thông vào trong khuôn khổ mà người ta gọi là "văn hóa". Lâu dần, sự lựa chọn của bản thân khi tham gia giao thông sẽ từ việc so sánh được mất giữa 2 phương án mang tính cưỡng chế, đi dần vào vạch kẻ của ý thức, trở thành một phản xạ thói quen mà người ta còn gọi là tiềm thức.
Giáo dục có hệ thống
Theo tâm lý thông thường, khi một hành động được nhận định là sai, người ta sẽ không dám thực hiện ở nơi công cộng. Vậy vì sao tình trạng thiếu ý thức trong giao thông vẫn được mọi người làm mỗi ngày với tâm thái chẳng chút lo sợ? Đơn giản vì họ đang đặt mình vào loại tâm lý "số đông".
Nếu bạn lấn làn, nhìn sang người bên cạnh cũng đang vượt tuyến, trong đầu bạn sẽ hình thành phản xạ: "Ồ, ai cũng như vậy" và tự đánh tráo ý niệm cho rằng điều đó là đúng bởi số đông đều thực hiện. Còn nếu ai cũng đều dừng trước vạch kẻ, bạn lại vặn ga chạy qua, sự lạc loài sẽ làm bạn bắt đầu đặt dấu chấm hỏi và cảm thấy bản thân cần phải thay đổi giống với mọi người. Điều đó cũng tương tự việc bạn sẽ chẳng dám bấm còi xe inh ỏi ở Singapore bởi nơi đấy ai cũng hạn chế sử dụng còi. Họ có quy định rõ ràng về khoảng cách giữa các xe cũng như mức độ âm thanh còi, khung giờ được phép sử dụng.
Để thực hiện điều này không dễ, bởi liên quan đến ý thức, mà ý thức cần được giáo dục có hệ thống ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là một việc làm cần thời gian, sức lực của nhiều ban, ngành và sự phối hợp của người dân. Đã đến lúc chúng ta nên có thêm môn học về bộ quy chuẩn ứng xử chung, chẳng hạn khi tham gia giao thông, xử lý khi va chạm... cùng các quy tắc khác để xây dựng một cộng đồng văn minh trong việc tuân thủ văn hóa giao thông.
Không ai sinh ra đã có nhận thức đúng, tất cả đều phải học và thực hành mỗi ngày. Đoạn đường dù ngắn hay dài, mãi chẳng chịu bước đi sẽ chẳng bao giờ đến đích. Việc cần làm lúc này chính là đưa văn hóa giao thông vào giáo dục bắt buộc. 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn thế nữa, khi những thế hệ được dạy dỗ trong hệ ý thức quy chuẩn ấy trưởng thành thì một cộng đồng văn hóa khi tham gia giao thông sẽ không phải là một kỳ vọng xa vời với Việt Nam.
Kích thích "phần thiện" của tiềm thức
Văn hóa giao thông chỉ là phần nổi của tư duy, nhận thức của người tham gia giao thông. Bên cạnh ý thức kém, người tham gia giao thông cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên trong như sinh lý (đau, say, mệt mỏi...), tâm lý (đau khổ, tức giận, áp lực...). Vì vậy, giải được bài toán này rất khó, cần nhiều yếu tố tác động mà lưu tâm nhất là yếu tố giáo dục.
Theo hiệu ứng Hawthorne Effect, chúng ta có thể thay đổi hành vi (thể hiện hành vi tốt hơn) nếu nhận thấy đang được quan sát, chú ý. Khi được người khác quan sát thì "phần thiện" trong con người sẽ được kích thích để tăng lên. Cụ thể, biết được cảnh sát giao thông, camera quan sát, giám sát, xử phạt thì người tham gia giao thông sẽ tự khắc đi đúng.
Ngoài ra, nên áp dụng cách tiếp nhận thông tin một cách vô thức, liên tục như những nhà quảng cáo đang làm thông qua băng-rôn, ấn phẩm, truyền hình..., lồng ghép câu nói, hình ảnh, bài hát kêu gọi người tham gia giao thông một cách có văn minh.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Vui