Đưa văn hóa vào hành động ứng phó với biến đổi khí hậu
Tối 16/9, tại Đại sứ quán Pháp đã diễn ra Lễ công bố Lễ hội nghệ thuật vì khí hậu-Vịnh Hạ Long 2025. Thứ trưởng ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc dự và phát biểu tại Lễ công bố.
Tham dự còn có Đại sứ, Trưởng các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp. Trước khi bắt đầu chương trình, các đại biểu đã dành 1 phút tưởng niệm những nạn nhân của cơn bão Yagi, mưa lũ ở Việt Nam và các quốc gia khác.
Phát biểu tại Lễ công bố, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, chuỗi hoạt động Nghệ thuật vì Khí hậu sẽ được tổ chức vào năm 2025 tại Việt Nam, tại một trong những viên ngọc thiên nhiên đẹp nhất hành tinh - Vịnh Hạ Long.
Theo ông Olivier Brochet, dự án sẽ giúp hiện thực hóa một tầm nhìn hoàn toàn phù hợp với các vấn đề thức thời đó là kết hợp nghệ thuật và trách nhiệm với môi trường để nâng cao nhận thức về việc bảo vệ hành tinh.
Địa điểm được chọn để tổ chức chuỗi hoạt động Nghệ thuật vì Khí hậu năm 2025 cũng là một nơi vô cùng đặc biệt, mang tính biểu tượng cao. Vịnh Hạ Long, một Di sản thế giới của UNESCO, không chỉ là một cảnh quan ngoạn mục; đây cũng là một hệ sinh thái đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và áp lực của con người, bằng chứng là những thiệt hại và ảnh hưởng do bão Yagi gây ra.
“Tôi cảm ơn các đồng nghiệp UNESCO đã có mặt tối nay và những nỗ lực không ngừng của họ để bảo tồn kỳ quan thiên nhiên thế giới này”, Đại sứ Olivier Brochet nói, đồng thời mong muốn, các bên tham dự sự kiện sẽ bắt đầu có các buổi trao đổi, thảo luận về tính khẩn cấp của vấn đề khí hậu, các hành động cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Tôi rất vui mừng về sự hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong dự án này. Đây là động lực mới dành cho quan hệ hai nước ,qua đó, góp phần củng cố hơn nữa sự hợp tác của Việt Nam và Pháp vì một tương lai bền vững”, ông Olivier Brochet nhấn mạnh.
Đại sứ Pháp khẳng định, Việt Nam có nền văn hóa giàu có và được thiên nhiên ưu đãi, với cách tiếp cận mang tính nghệ thuật sẽ của dự án sẽ giúp đánh thức nhận thức bằng cách vượt qua các ranh giới văn hóa, ngôn ngữ và địa lý.
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc chia sẻ, thời gian qua, con người phải chứng kiến những tình trạng khí hậu cực đoan. Cơn bão Yagi – cơn bão lớn nhất đổ bộ vào Việt Nam trong suốt 3 thập kỷ qua, để lại hậu quả tàn khốc, gây nên những tổn thất về người và của, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cảm ơn sự giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã chung tay với Việt Nam trong nỗ lực xoa giảm nỗi đau, tổn thất của người dân.
Những thách thức của biến đổi khí hậu với tần suất và quy mô ngày càng lớn đã đe dọa đến mọi mặt của đời sống, khiến việc nâng cao đời sống, thúc đẩy những tiến bộ bị ảnh hưởng. “Nếu không thể tìm ra các giải pháp để ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu thì thành tựu của nhân loại có thể sẽ bị kéo lùi”, Thứ trưởng nói.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, “trách nhiệm của chúng ta chính là đảm bảo nhân loại được sống hài hòa với thiên nhiên, đồng thời chung tay bảo tồn, gìn giữ, cũng như sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như hệ sinh thái của Trái đất.
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, để đạt được những nỗ lực này, đòi hỏi cần có sự nỗ lực chung tay hợp tác của quốc tế, sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân.
Nhấn mạnh văn hóa là động lực định hình cuộc sống của nhân loại, dù có ở bất kỳ đâu, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng, văn hóa có sức mạnh đặc biệt, vượt qua mọi biên giới và có thể khơi dậy tình cảm, suy nghĩ, từ đó giúp thúc đẩy hành động để bảo tồn, gìn giữ Trái đất.
Tuy nhiên, văn hóa hiện chưa được thúc đẩy trong các chương trình hành động với biến đổi khí hậu, đây là điều mà tất cả các bên cần thay đổi.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định, cần có sự hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu từ góc nhìn của văn hóa, đặt văn hóa vào trung tâm hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Với ý nghĩa đó, UNESCO hiện đang thúc đẩy, nỗ lực đưa văn hóa cũng như di sản vào chương trình nghị sự trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu vì một tương lai hòa bình, thịnh vượng, ít khí thải và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc thông tin, Việt Nam hiện đang hợp tác chặt chẽ với UNESCO trong việc phát huy tốt nhất các giá trị của văn hóa, xây dựng văn hóa trở thành trụ cột trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Cần có giải pháp, sự sáng tạo giúp gắn kết các thành phần trong xã hội, trong các lĩnh vực vào nỗ lực chung này. Lễ hội lần này là sáng kiến quan trọng để thúc đẩy các giải pháp ứng phó với các vấn đề toàn cầu ở địa phương. Đây cũng là một trong những chương trình có ý nghĩa đối với Việt Nam. Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với UNESCO, các bên liên quan để cùng thúc đẩy nỗ lực này trong chương trình nghị sự sắp tới", Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã tổ chức phiên đấu giá từ thiện chiếc bát hoa văn họa tiết Bát Tiên xanh trắng có từ thời nhà Thanh. Toàn bộ số tiền thu được từ phiên đấu giá sẽ được gửi tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng sau cơn bão Yagi.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dua-van-hoa-vao-hanh-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-286617.html