Đưa văn hóa Việt lên phim, dù khó vẫn cần làm
Công chúng Việt luôn dành sự quan tâm và thiện cảm lớn đối với những bộ phim có chứa những yếu tố đẹp về văn hóa, bản sắc dân tộc. Nhưng để có những tác phẩm hay theo mảng đề tài này luôn là thách thức đối với các nhà làm phim.
Ấn tượng văn hóa truyền thống trên phim
Mới đây, thông tin nhà sản xuất (NSX) Lý Hải phục dựng một làng chiếu cổ để phục vụ cảnh quay trong phim đã được nhiều khán giả chú ý. Theo tin từ NSX bộ phim, Lý Hải đã chi hàng tỉ đồng để phục dựng làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp) làm bối cảnh cho phần sáu bộ phim “Lật mặt”. Lý Hải chia sẻ, anh luôn muốn đem một làng nghề truyền thống của Việt Nam lên phim của mình. Sau khi lang thang dọc dài đất nước, anh quyết định lựa chọn phục dựng làng chiếu Định Yên.
Đây là làng chiếu cổ nằm bên dòng sông Hậu, có tuổi đời hàng trăm năm, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018. Tuy nhiên, nghề chiếu hiện mai một dần, quy mô làng nghề ngày càng thu hẹp do nhu cầu thị trường giảm. Lý Hải mong muốn góp phần quảng bá cho một làng nghề cổ truyền của Việt Nam, đồng thời góp sức bảo tồn làng nghề.
Trailer của bộ phim cho thấy những cảnh quay đẹp và công phu từ làng chiếu Định Yên với bàn tay thoăn thoắt của những người thợ lành nghề và sắc màu rực rỡ của những tấm chiếu mới dệt. Được biết, khi cảnh quay được thực hiện, hàng trăm người dân địa phương và các vùng khác đã đến xem phục dựng làng chiếu.
Năm phần phim trước của phim “Lật mặt” luôn đạt doanh thu và hiệu ứng rất cao. Ở các phần phim trước, Lý Hải cũng đã đưa nhiều cảnh đẹp, nếp sống sinh hoạt bình dị, đáng yêu của người Việt lên phim. Hy vọng rằng, với sức lan tỏa của bộ phim, công chúng sẽ có sự quan tâm hơn đến các làng nghề truyền thống Việt Nam.
Một bộ phim khác đã đưa di sản văn hóa, vẻ đẹp cổ truyền Việt Nam lên phim và gặt hái nhiều thành công là “Song Lang”. Đây được đánh giá là bộ phim có màu sắc khác biệt trong lịch sử điện ảnh nước ta, được giới chuyên môn đánh giá cao. Là phim làm về nghệ thuật cải lương, “Song Lang” tập trung khai thác nét đẹp của nghệ thuật cải lương và chiều sâu cảm xúc nhân vật. Phim tái hiện một thời huy hoàng của cải lương Việt, giúp khán giả hiểu sâu hơn về nghệ thuật truyền thống này và đời sống của các đào, kép hát, khiến khán giả rung cảm và thêm trân trọng di sản văn hóa của đất nước.
“Vượt khó” làm phim hay
Có không ít phim điện ảnh Việt khai thác khá tốt những yếu tố văn hóa cổ truyền dân tộc, khơi gợi cảm xúc của người xem, như giai đoạn những năm 2000 có “Mùi đu đủ xanh”, “Xích lô”, “Mùa len trâu”... Gần đây, các bộ phim như “Em và Trịnh”, “Mắt biếc”, “Cô ba Sài Gòn”, “Tấm Cám - chuyện chưa kể” hay “Gái già lắm chiêu V”... cũng khá thành công khi đưa vào phim nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc: áo dài Việt, trang phục Việt, cảnh sắc tuyệt đẹp của những di sản thiên nhiên - di sản văn hóa như Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình hay Cố đô Huế...
Phim truyền hình cũng là mảnh đất đầy tiềm năng để tôn vinh những nét đẹp cổ truyền của đất nước. Nhiều phim truyền hình Việt đưa làng nghề cổ truyền lên phim và ghi dấu ấn như “Miền đất phúc” (nói về nghề gốm cổ truyền), “Sóng gió làng nghề” (nghề sơn mài), “Hương phù sa” (nghề làm ghe xuồng), “Chuyện làng bè” (nghề cá bè)...
Mới đây, bộ phim Lụa do TFS - Hãng phim truyền hình TP HCM sản xuất cũng thu hút dư luận với đề tài về nghề lụa cổ truyền và tâm huyết của người trẻ với nghề truyền thống. Các cảnh quay của phim được thực hiện nhiều ở Hội An, Đà Lạt, Lâm Đồng, Đồng Nai và TP HCM. Phim còn có những cảnh quay đẹp về làng nghề dệt lụa ở Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) từ quá khứ đến hiện đại.
Thực tế, công chúng luôn dành sự quan tâm và thiện cảm lớn đối với những bộ phim có chứa những yếu tố đẹp về văn hóa, bản sắc dân tộc. Nhưng không dễ để làm phim hay theo mảng đề tài. Ngoài kinh phí đầu tư không nhỏ, người làm phim còn cần tìm hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc và thực hiện phim làm sao phải chạm được đến cảm xúc người xem. Con đường không dễ dàng, nhưng gặt hái cũng sẽ không nhỏ. Bên cạnh lợi nhuận, điều quan trọng hàng đầu ở những bộ phim như này chính là tâm huyết của nhà làm phim và trách nhiệm với văn hóa dân tộc.